Bài đăng trên báo SGGP và phát trên Chương trình Phát thanh Quân đội
Quê tôi Lộc Hà, Hà Tĩnh không biết tự bao giờ đã truyền nhau câu hát: “Ai ơi cà xứ Nghệ càng mặn lại càng giòn; nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon”. Bao năm xa quê, nhưng hương thơm và vị đậm của thức uống dân dã ấy, vẫn hiện về nguyên vẹn trong ký ức tôi. Cây chè được trồng ở khắp nơi trên cả nước, nhưng chè xanh Hà Tĩnh vẫn được xem là thơm ngon, đậm đà riêng có. Có lẽ vì chúng được trồng ở một mảnh đất cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè gió Lào bỏng rát, mùa đông giá lạnh thấu xương, nên trong mỗi thân cây dường như đã hội đủ vị chát đắng, mặn mòi đặc biệt của đất trời và mồ hôi của những người dân lam lũ quê tôi.
Quê tôi Lộc Hà, Hà Tĩnh không biết tự bao giờ đã truyền nhau câu hát: “Ai ơi cà xứ Nghệ càng mặn lại càng giòn; nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon”. Bao năm xa quê, nhưng hương thơm và vị đậm của thức uống dân dã ấy, vẫn hiện về nguyên vẹn trong ký ức tôi. Cây chè được trồng ở khắp nơi trên cả nước, nhưng chè xanh Hà Tĩnh vẫn được xem là thơm ngon, đậm đà riêng có. Có lẽ vì chúng được trồng ở một mảnh đất cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè gió Lào bỏng rát, mùa đông giá lạnh thấu xương, nên trong mỗi thân cây dường như đã hội đủ vị chát đắng, mặn mòi đặc biệt của đất trời và mồ hôi của những người dân lam lũ quê tôi.
Để có bát nước chè xanh thơm
ngon, đậm đà thì phải chọn những cây chè mọc ở nơi có ánh mặt trời, không bị những tán cây lớn che
khuất. Lá chè để nấu nước không được non hoặc già quá và cây chè càng mọc ở
trên đồi cao thì nước càng ngon. Nước để nấu chè
xanh cũng rất quan trọng. Những giếng nước nấu chè xanh ngon có mạch trong veo
ở trên vùng đất cao, xa ao hồ, ruộng đồng. Củi nấu cũng góp phần tạo nên chất
lượng của ấm chè xanh. Nấu chè xanh phải đun bằng củi gỗ thì nước mới thơm ngon.
Cách chế biến chè cũng là cả một “nghệ thuật”. Chè đem về được rửa sạch, vò kỹ
cho dập lá, cọng bẻ gãy và tước ra. Đun cho nước sôi rồi mới cho
chè vào, sau đó tiếp tục đun cho nước sôi lại, đến khi có màu xanh thì
nhấc xuống, múc ra uống là vừa, không được để sôi kỹ quá, nước sẽ có màu bầm
tím và rất khó uống.
Uống nước chè xanh ở quê tôi
không chỉ là một thói quen sinh hoạt hàng ngày, mà còn là một tập tục văn hóa
truyền thống đậm tình xứ Nghệ. Nước chè xanh gắn bó với mỗi đời người từ thuở
thiếu thời cho đến lúc về cõi vĩnh hằng. Khi xa quê tiếng
"gọi chè" luôn thổn thức trong tôi, đưa tôi về sống với kỷ niệm êm
đềm của những đêm hè nóng nực, trong xóm nhỏ, những người dân quê tôi lần lượt
nấu từng nồi nước chè to rồi mời bà con, chòm xóm đến uống. Chẳng ai bảo ai,
thân thiết và tự nguyện, lần lượt thay nhau. Những người phụ nữ xứ Nghệ tảo
tần, lam lũ đến lượt nhà mình "gọi chè" thường cố gắng chuẩn bị thật
chu đáo. Nồi nước chè lúc ấy không chỉ thể hiện sự hiếu khách, nghĩa tình mà
còn trở thành tiêu chí để đánh giá cái đảm đang, khéo léo của gia chủ, một niềm
tự hào lặng lẽ, âm thầm mà mãnh liệt bao đời nay.
Trong cuộc sống hối hả, bộn bề nơi thị thành tráng lệ,
thứ thức uống giản dị mang hồn vía của quê hương vẫn hiện hữu trong ký ức tôi, trong
lao xao nắng gió tôi lại nghe “khúc dân ca quê mình, để tôi sống giữa bao nhiêu
ân tình, bao ân tình mộc mạc làng quê, trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh”./.
NGUYỄN ANH SƠN
chồng em dân Hà Tĩnh, về quê uống chè xanh sớm chiều, say ngây ngất cả ngày, uống chè xanh có tác dụng chữa bệnh nữa. Chúc mừng anh có blog riêng nhé.
Trả lờiXóa