Bài thi báo cáo viên giỏi toàn quân năm năm 2007
Kính thưa các thủ trưởng! Thưa toàn thể các đồng
chí!
Lời điếu văn của
Tổng bí thứ Lê Duẩn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vang vọng mãi
với non sông đất nước, với hàng triệu trái tim Việt Nam và nhân dân thế giới: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước
ta đã sinh ra Hồ chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và Người đã làm rạng rỡ
dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng
những để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong lịch
sử dân tộc, Người còn để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại, đó là tấm gương sáng
ngời về phẩm chất đạo đức cánh mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất
trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Mà điểm nổi bật
trong tấm gương đạo đức ấy là tình
yêu thương con người.
Thưa
toàn thể các đồng chí!
Với tấm
lòng nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu và tình yêu bao la Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã dành tình yêu thương cho tất cả đồng chí, đồng bào, không phân biệt miền
xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai… Tình yêu thương đó còn vượt ra
khỏi biên giới Việt Nam đến với những người lao động trên toàn Thế giới. Đặc biệt
là đối với những người “cùng khổ”, những người lao động bị áp bức, bóc lột để
chia sẻ với mọi người những nỗi đau khổ, bất hạnh của cuộc đời. Trước trái tim
chan chứa tình yêu thương của Bác nhà thơ Tố Hữu không kìm nén được cảm xúc của
mình đã thốt lên: “Bác ơi, tim Bác mênh mông
thế - Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Trong tình yêu thương ôm trọn cả non sông,
mọi kiếp người đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành một tình yêu thương đặc biệt
cho cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN. Đã có biết bao câu chuyện cảm động, chan chứa tình
yêu thương của Người dành cho bộ đội. Trong khuôn khổ thời gian hôm nay, tôi
xin phép được kể câu chuyện: “Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sỹ”. Đây là câu chuyện đã để lại trong tôi
những cảm xúc mãnh liệt, những suy nghĩ sâu lắng và những bài học đạo đức sâu sắc
về lòng yêu thương bao la của Bác Hồ dành cho chiến sĩ. Mà ở mọi thời đại vẫn còn
vẹn nguyên giá trị, vẹn nguyên tính thời sự. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay,
chúng ta đang xây dựng Quân đội nhân dân Viện Nam cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại dưới sự tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị
trường, xu thế hội nhập, mở cửa. Tình thương yêu con người, thương yêu đồng chí,
đồng đội đang đứng trước những thách thức, cám dỗ của cuộc sống.
Kính thưa các thủ trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí!
Ngược dòng thời gian trở về với gian đoạn lịch
sử từ năm 1961 đến năm 1973. Hồng cứu vãn nguy cơ thất bại ở chiến trường Đông
Dương, đế quốc Mỹ đã hai lần mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân. Dã
tâm của chúng còn muốn đưa miền Bắc nước ta về “thời kỳ đồ đá”. Trung ương Đảng
và Bác Hồ chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân,
xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân “đất đối không” để sẵn sàng chiến đấu đập
tan âm mưu của kẻ thù. Trong những năm tháng đó Bác Hồ luôn dành sự quan tâm chăm
sóc đặc biệt đối với lực lượng Phòng không – Không quân miền Bắc. Chuyện kể rằng:
Mùa hè năm 1967 cả miền Bắc, đặc biệt là Hà
Nội trời nắng như đổ lửa. Lúc này Bác đã 77 tuổi, “cái tuổi xưa nay hiếm”. Sức
khoẻ của Bác yếu dần, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt
đẫm áo quần, có ngày Bác phải thay đến mấy lần áo. Tuổi già của Bác phải đối chọi
với cái nắng nóng gay gắt của mùa hè, nhưng Bác đâu có lo nghĩ cho mình. Tấm
long của Bác bao giờ cũng dành trọn cho đồng bào, đồng chí, đặc biệt là đối với
các chiến sĩ những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác luôn dành cho anh
em sự chăm lo, săn sóc ân tình, chu đáo nhất. Mùa đông đến thương anh em chiến
sĩ rét mướt Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy
tiền mua áo ấm cho chiến sĩ; không chỉ thế Người còn gửi cả tấm áo ấm mình đang
mặc cho anh em.
Các
đồng chí ạ! Mùa hè năm ấy nắng nóng là vậy nhưng Bác đâu có dùng máy điều hoà
nhiệt độ. Bác bảo: “Mùi nó hôi lắm, Bác không chịu được”. Các đồng chí
biết không? Bác muốn tiết kiệm, Bác không dùng nên mới nói vậy thôi! Chứ máy đã
có nước xả thơm rồi. Thấy trời oi bức quá Bác lo lắng và bảo đồng chí Vũ Kỳ (Thư
ký riêng của Bác): “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên
nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú
thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết”. Vâng lời Bác đồng chí Vũ Kỳ
đi lên thì thấy trên đó có một tổ súng máy 14ly 5, được xây dựng bằng ụ cát sơ
sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Trời nắng chói, đồng
chí Vũ Kỳ đứng một lúc mà đã hoa cả mắt, liền hỏi: “Các đồng chí có nước ngọt
uống không?” Các chiến sĩ ta thật thà trả lời: “Nước chè thường còn chưa
có, lấy đâu ra nước ngọt!” Đồng chí Vũ Kỳ về thuật lại với Bác những điều mình
thấy, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng,
Bác phê bình: “Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng
không?” Rồi Bác chỉ thị: “Uï súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài,
chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!”
Sau đó Bác
bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm còn bao nhiêu.
Các đồng chí ạ! Bác là Chủ tịch nước mà lương cũng chỉ đủ tiêu. Mọi sinh hoạt của
Bác từ cái chổi long gà đều ghi vào lương cả. Tiền tiết kiệm của Bác là do các
báo trả nhuận bút cho Bác, văn phòng gửi vào sổ tiết kiệm. Các đồng chí biết không?
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp Bác đã có sổ tiết kiệm rồi đấy. Bác tiết kiệm
nhưng đâu phải để dùng riêng cho mình. Khi tết đến Bác đem cho các cơ quan mua
lợn để đón xuân. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ rồi báo cáo: “Thư Bác, còn lại tất cả
hơn 25.000 đồng”. Lúc đó là một số tiền lớn, tương đương với khoảng 60 lạng
vàng. Bác không một chút đắn đo suy nghĩ liền bảo với đồng chí Vũ Kỳ: “Chú
chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng Tham mưu và nói: Đó là quà của Bác tặng để
mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống”. Bác còn căn dặn: “Không
phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến
trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào
có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo”.
Các đồng
chí có biết không? Số tiền đó của Bác đã đủ mua nước uống cho bộ đội Phòng không
– Không quân được một tuần. Việc làm của Bác đã làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ Phòng
không – Không quân vô cùng xúc động. Có đơn vị tổ chức đón quà của Bác, sau khi
vừa bắn rơi máy bay địch, trận địa còn vương khói bom đạn. Nhận quà Bác có chiến
sĩ không cầm được nước mắt. Anh em bảo nhau: “Bác già rồi, lo trăm công ngàn
việc, cần bồi dưỡng sức khỏe, thế mà Bác lại gửi tiền riêng của Bác cho Bộ đội.
Bác thương chúng mình quá, phải bắn rơi nhiều máy bay Mỹ để đáp lại tấm lòng của
Bác”.
Kính
thưa các thủ trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí!
Quân đội ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng
lập, giáo dục và rèn luyện, đã trưởng thành “từ không đến có”, “từ yếu đến mạnh”,
“quyết chiến, quyết thắng” mọi kẻ thù. Bằng tấm lòng và hành động chăm sóc binh
sĩ với tinh thần “phụ tử chi binh” coi chiến sĩ như người thân, thấu hiểu và thông
cảm với những nỗi khát khao, rét buốt, đau khổ, hy sinh của chiến sĩ, cùng
chung vui với họ “hòa rượu với nước suối khao quân”, sẻ chia với họ manh áo ấm,
bát chè, điếu thuốc trong những lúc khó khăn, gian khổ… Người thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được”;
“Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”. Mà câu
chuyện trên đã ghi lại một việc làm cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan
tâm, chăm sóc bộ đội. Sự quan tâm, chăm sóc đó không chỉ là của một lãnh tụ, mà
còn là của một người cha, một người mẹ quan tâm chăm sóc con cái. Chúng ta thấy
Người thật vĩ đại nhưng cũng thật gần gũi biết bao, tình yêu thương của Người lan tỏa ấm áp tâm hồn
ta. “Người là Cha, là Bác, là Anh – Quả
tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”; “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta – Ta bỗng
lớn ở bên Người một chút”.
Câu chuyện tuy ngắn, nhưng chứa đựng trong đó
là cả một tình yêu thương bao la của
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho chúng ta. Thể hiện rõ “đạo đức của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực
vì con người”. Bác thương người nhưng không hề nghĩ tới mình. Phẩm chất này
thật là cao cả tuyệt vời, bởi trên trái đất, trong lịch sử loài người hàng ngàn
năm nay, dễ mấy ai có được? Bác đã nêu một tấm gương đẹp, không chỉ cho dân tộc
mà cả nhân loại, không phải chỉ hôm nay mà cả mai sau và mãi mãi. Tấm gương đó
ngời sáng như một châm ngôn, như một cách sống:
“Nâng niu tất cả, chỉ quên mình”;
“Chỉ biết quên mình cho hết thảy – Như dòng
sông chảy nặng phù sa”. Trong câu
chuyện chúng ta thấy: Tuổi già sức yếu của Bác đáng lẽ phải được chăm sóc chu đáo,
nhưng Bác đã từ chối tất cả những gì tốt nhất cho mình, để dành lại cho các chiến
sĩ. Các đồng chí biết không? Cũng trong khoảng thời gian đó vào ngày 19 tháng 7
năm 19965 Bác đã đến thăm đại đội 1, trung đoàn phòng không 234 ở Hà Nội, Bác cầm
chiếc mũ sắt của đồng chí Lương Phúc Thoại đội thử lên đầu rồi hỏi:
"Chiếc mũ này nặng bao nhiêu cân? Các chú đội lâu có nóng không? Có nhức đầu
không?” Các chiến sĩ đồng thanh trả lời : “Thưa Bác! loại mũ sắc này nhẹ
thôi ạ! Sức trẻ chúng cháu không thấy nóng và nhức đầu đâu ạ!” Bác âu yếm
nhìn từng chiến sĩ rồi nói: “Các chú
nói dối Bác! Nặng lắm, nóng lắm, nhức đầu lắm!” Rồi Bác căn dặn: “Khi máy
bay địch còn xa, các chú có thể để mũ xuống bên cạnh cho đỡ nóng, đỡ nhức đầu.
Nhưng nhớ phải để cho gọn, lúc cần có thể lấy được ngay”. Sau đó Bác đi
sang một khẩu đội khác thấy hầm pháo có nước Bác nhắc đơn vị phải lo tát nước.
Lúc đó đồng chí Phùng Thế Tài là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đi
cạnh Bác mời Bác vào sở chỉ huy đơn vị, nhưng Bác lại rẽ vào nhà ngũ của bộ đội,
xuống nhà bếp để xem nơi ăn ở, ngũ nghỉ của bộ đội như thế nào. Các đồng chí ơi!
Bác là Chủ tịch nước mà quan tâm chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngũ của bộ đội.
Không ở đâu trên thế giới này có lãnh tụ lại gần gủi và yêu thương bộ đội như Bác
Hồ của chúng ta. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Điều gì đã làm nên sức mạnh
chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù của Quân đội ta trong hơn 60 năm qua? Đó có
phải nhờ có sự giáo dục, rèn luyện và tình yêu thương của Bác Hồ dành cho chúng ta. Để cho những “người cầm súng hy sinh không tiếc máu”,
anh giải phóng quân “mang cả trái tim Người
– Đi vào trận đánh sáng ngời lòng tin”. Chúng ta không phải băn khoăn, đắn đo
gì nữa, bài học sâu sắc Bác đã dạy: Quân đội ta không chỉ mạnh bởi lý tưởng, ý
chí, niềm tin và nghệ thuật quân sự Việt Nam, mà còn có tình yêu thương đồng chí, đồng đội trong sáng và
cao cả; tình yêu thương ấm áp như cha con, anh em ruột thịt trong một gia đình.
Nhưng thật
đáng tiếc, thực trạng ở đơn vị hiện nay vẫn còn hiện tượng một
số cán bộ, đảng viên lời nói không đi đôi với việc làm, quan liêu xa rời quần
chúng, thiếu sự tôn trọng, quan tâm, chăm sóc bộ đội. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn,
độc đoán chuyên quyền, chỉ quản lý, chỉ huy đơn vị bằng mệnh lệnh hành chính cứng
nhắc. Còn mình thì được thực hiện những “chế độ riêng” và được hưởng những “đặc
lợi riêng”. Chúng ta thấy đau lòng vì vẫn còn những hiện tượng quân phiệt, lối ứng
xử thiếu văn hoá với đồng chí, đồng đội, kèn cựa, cục bộ địa phương... Nhiều vụ
việc vi phạm kỷ luật đáng tiếc mà nguyên nhân chỉ vì sự vô tâm, thiếu trách nhiệm
của các bộ, vì thiếu sự cảm thông, chia sẻ và thiếu tình yêu thương đồng chí, đồng
đội… Đây chính là một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ
phận cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Là một “tâm bệnh” mà để điều trị nó chúng
ta phải thức tỉnh được lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người cán bộ, đảng
viên đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và tình yêu thương đồng loại,
yêu thương đồng chí đồng đội. Vậy thì “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh” mỗi chúng ta hãy tự soi lại mình để quét sạch “tâm bệnh” đó.
Đối
với tôi, câu chuyện trên đã cho tôi một phương châm sống và công tác, một biện
pháp để cảm hóa và giáo dục bộ đội. Đó là sự tôn trọng, tin tưởng, yêu thương và
giúp đỡ đồng chí, đồng đội tiến bộ. Cuộc sống ngày nay, chịu sự tác động mạnh mẽ
của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự chống phá điên cuồng của các thế lực
thù địch. Cũng có những lúc này lúc khác tôi thấy băn khoăn, trăn trở với những
khó khăn của đời sống thường nhật. Nhưng những lời dạy và tấm gương đạo đức của
Chủ tịch Hồ Chí Minh như ngọn đuốc sáng soi đường, dẫn lối cho tôi đi tới những
chân lý và lẽ sống của cuộc đời. Tôi luôn đấu tranh với chính mình và với những
tiêu cực trong đơn vị để gạt bỏ những riêng tư vụ lợi, loại trừ những tư tưởng,
hành động thiếu tôn trọng, thiếu quan tâm chăm sóc bộ đội của đội ngũ cán bộ. Tô
luôn ghi nhớ và thực hiện đúng lời dạy của Người: Đối với bộ đội phải luôn công bình như một người anh, thân thiết như một
người chị, hiểu biết như một người bạn; “phải chăm sóc đời sống vật chất và
tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện
vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu đói. Bộ
đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chổ ở, cán bộ
không được kêu mình mệt”. Nhờ đó, trong những năm qua tôi đã góp phần đoàn
kết được chi ủy, chi bộ và đại đội thành một khối thống nhất về ý chí và hành động;
xây dựng chi ủy, chi bộ TSVM, đại đội VMTD; có chất lượng tổng hợp và sức mạnh
chiến đấu cao, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kính
thưa các thủ trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí!
Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã đi xa nhưng tình
yêu thương của Người dành cho cán bộ,
chiến sĩ QĐNDVN vẫn còn mãi mãi và trở thành nguồn sức mạnh lớn lao để mỗi cán
bộ, chiến sĩ chúng ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng và con đường
mà Người đã chọn. Đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 234 – Binh đoàn Tây
Nguyên còn có niềm vinh dự lớn lao được hai lần đó Bác Hồ về thăm. Hình ảnh và
những lời ân cần thăm hỏi căn dặng của Người luôn in đậm trong tâm trí bao thế
hệ cán bộ, chiến sĩ đoàn Tam Đảo. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người
chúng tôi nguyện: “Đoàn kết hiệp đồng, lập
công tập thể”; “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng”; “Hai mươi viên
đạn một quân thù đền tội”. Tuổi trẻ chúng tôi hôm nay thật hạnh phúc vì được
thừa hưởng một thành quả cách mạng rực rỡ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Hành
trang vào đời của chúng tôi có tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người rọi sáng
để đi tới những bến bờ hạnh phúc. “Trái
tim ấy nghìn năm còn đập mãi – Đâu đời cần nhân ái lại hồi sinh”./.
NGUYỄN ANH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét