Trang chủ

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

LỚP HỌC TIẾNG DÂN TỘC CẤP TỐC

                                                                  Bài phát trên Chương trình Phát thanh Quân đội

         Các đồng chí ạ! Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; mỗi khi có dịp được về với nhân dân là như về với chính những người thân yêu trong gia đình của mình. Vì vậy, mà những kỷ niệm với nhân dân bao giờ cũng là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời quân ngũ của mỗi người. Tôi cũng vậy các đồng chí ạ!
          Năm 2002, đội dân vận của Lữ đoàn 234 – Quân đoàn 3 do tôi làm đội trưởng đến công tác tại xã vùng ba xã Bờ Ngoong – huyện Chư Sê – tỉnh Gia Lai. Nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số không đi theo cái gọi là “Tin lành đề-ga” và không nghe kẻ xấu xúi dục, kích động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Giúp nhân dân thực hiện nếp sống ăn, ở hợp vệ sinh; canh tác khoa học và xóa đói giảm nghèo. v.v…
          Đội công tác của chúng tôi, ngoài tôi ra còn có 6 người khác và được chia làm 2 tổ (tổ 1 gồm có: Tuấn, Việt và Hưng do Tuấn làm tổ trưởng; tổ 2 gồm: Mạnh, Xuân và Hải do Mạnh làm tổ trưởng; anh em đều là chiến sĩ năm thứ 2 đã được huấn luyện rất cơ bản và đều có quê ở Quảng Nam). Công việc chính của chúng tôi là hàng ngày phải đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân.
          Kế hoạch “dân vận” được tôi chuẩn bị rất chu đáo, cụ thể, chi tiết cho từng ngày, từng nội dung công việc và phân công trách nhiệm đến từng đồng chí. Nhưng những ngày đầu, sau mỗi lần về các tổ đều lắc đầu ngao ngán.
           Tuấn tổ trưởng tổ 1 sau những giây phút đăm chiều, rồi thở dài nói:   
          - Khó quá đội trưởng ạ! Mình nói đồng bào không nghe được, đến đâu bọn em cũng chỉ nhận được một nụ cười gượng và câu cửa miệng “I-cờ-bất” (có nghĩa là “không biết” – Theo tiếng Ba-na). Mạnh tổ trưởng tổ 2 có vẻ bức xúc hơn:
          - Thế còn đỡ, chứ tệ hại hơn nữa là đồng bào luôn né tránh, không muốn tiếp xúc với bộ đội. Thấy mình, đồng bào cứ tránh… như là tránh tà ấy... Thế này thì… chắc anh em mình phải cuốn gói thôi, chứ “dân vận, dân vẻo” gì nữa đội trưởng!   
          Sau thất bại đầu tiên, tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm và chấn an tư tưởng anh em:  
          - Các đồng chí không được buông xuôi. Các đồng chí có cảm nhận được, đồng bào ở đây rất chịu thương, chịu khó. Không bao giờ có chuyện nhân dân xa lánh bộ đội, vấn đề là chúng ta chưa tìm ra được chìa khóa để mở tấm lòng họ mà thôi.
          Đêm hôm đó, tôi không sao chợp mắt được, những lời động viên, giao nhiệm vụ của Chính ủy Lữ đoàn trước khi chúng tôi lên đường vẫn còn văng vẳng bên tai: “Các đồng chí là những cán bộ, chiến sĩ ưu tú, được Thường vụ Đảng ủy Lữ đoàn lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ đội quân công tác. Tôi tin tưởng rằng các đồng chí sẽ khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của đơn vị Anh hùng “Có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng”.
          Trăng thượng tuần lên cao, ánh trăng hòa quyện với sương đêm đã phủ lên núi rừng Tây Nguyên một dải lụa trắng khổng lồ, hiền hòa, êm đềm. Tiếng đàn Tơ-rưng dìu dặt đưa bước chân tôi đến dưới nhà Rông lúc nào không hay. Già làng Đinh Yêng ngồi tư lự ở đó từ lúc nào, hai mắt nhìn xa xăm. Tôi cất tiếng chào:
           - Con chào già! Sao khuya rồi mà già vẫn không về đi ngủ?
          - Ô! Bộ đội đấy ạ! Già không ngủ được, cái bụng bà con làng Jơ-ri chưa yên mà… Bộ đội ngồi xuống đây!… Ngồi đây!... uống với già một chén rượu.
          - Vâng! Con cảm ơn già!
          - Thế nào hả? Về với đồng bào có ưng cái bụng không? Có vất vả không? 
          - Dạ không ạ! Nhưng!… nhưng!...
          - Sao vậy? Có chuyện gì hả? Nói cho Già nghe thử xem?      
          - Dạ thưa… già! Chuyện là…
          Tôi đem toàn bộ chuyện của đội dân vận tâm sự với già làng Đinh Yêng. Sau khi vuốt chòm râu bạc phơ hai mắt già sáng lên và cười nói:
          - Ô!... Già hiểu rồi!... Đồng bào mình như con nai, con hoãng trên rừng, quanh năm lên rẫy, nó chưa quen tiếp xúc với người kinh mà. Bộ đội muốn nói cho đồng bào nghe, thì phải nói bằng tiếng đồng bào cơ. Tiếng kinh bọn mình không thạo mà, nói chuyện mắc cỡ lắm… mắc cỡ lắm…
          - Vâng! Đúng rồi, con cảm ơn già! Con… con sẽ làm ngay.
         Ngay hôm sau, khi đã trao đổi kỹ và thống nhất với già làng, thôn trưởng; lớp học cấp tóc tiếng Ba-na cho anh em trong đội dân vận được mở. Mà những giáo viên ban đầu không ai khác, đó chính là già làng và thôn trưởng làng Jơ-ri. “Tiếng lành đồn xa”, khi mà cái tin bộ đội học tiếng Ba-na đi khắp làng, thì bà con cứ thế kéo đến chật ních cả nhà chúng tôi đang ở. Phần vì “tò mò”…, phần vì thấy “bộ đội Cụ Hồ sao mà gần gũi, dễ mến…” như lời nhận xét của các Mị.
           Lúc này thì… giáo viên không chỉ có già làng và thôn trưởng, mà rất đông bà con trong làng (những người được coi là thạo tiếng kinh nhất); đặc biệt là có cả những cô gái Ba-na xinh đẹp, làm cho lớp học sôi nổi và hiệu quả hẳn lên. Ngoài học cách giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày… thì những chú lính vốn “chưa biết yêu là gì” còn bắt các “cô giáo” dạy những câu ngỏ lời, tỏ tình bằng tiếng Ba-na.
Sau khi anh em cơ bản giao tiếp được bằng tiếng Ba-na. Chúng tôi đặt ra phương châm tiếp theo là: Vừa dân vận vừa học tiếng đồng bào, học ngay cả những gia đình mình đến dân vận, những người mình tiếp xúc. Từ đó đồng bào không chỉ có nghe và làm theo chúng tôi nói mà còn tin tưởng, hòa đồng với bộ đội. Không còn cảm giác mặc cảm, tự ti như lúc đầu.
Các đồng chí ạ! Đợt dân vận đó chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai và Quân đoàn tặng Bằng khen. Và cũng từ đó trong toàn Lữ đoàn chúng tôi nói riêng và Quân đoàn nói chung, dấy lên một phong trào học tiếng dân tộc và thực hiện 4 cùng với nhân dân: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào”./.
NGUYỄN ANH SƠN

1 nhận xét: