Trang chủ

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

VỀ MIỀN KÝ ỨC


          Tôi trở lại làng Jơ-ri một buổi chiều cuối thu. Cũng đã lâu lắm rồi, công việc và cuộc sống mưu sinh, như một bức tường vô hình ngăn cản con đường tôi trở lại mảnh đất này, như lời đã hứa với già làng Đinh Yêng trước lúc chia tay trở về đơn vị: “Con về rồi, khi nào có điều kiện con sẽ đến thăm già và bà con trong làng…”
Tôi chờ cho có “điều kiện” thì đã gần mười năm trôi qua, và giờ đây làng bản đã có nhiều đổi thay, những đứa trẻ ngày nào bủng beo, tóc cháy, da sém giờ đã thành những nam thanh, nữ tú của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Thấy tôi ai cũng e thẹn, khép nép, chứ có như ngày nào, họ đã từng coi tôi là một phần không thể thiếu trong niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. Đinh Át nhận ra tôi từ xa, em gọi và chạy đến đón tôi, như đón một người anh đi xa mới về. Tôi cũng ngỡ ngàng ôm lấy hai bờ vai chắc nịch của Át. “Ôi! Đinh Át đã lớn như thế này rồi sao? Mị và các em có khỏe không? Học hành tốt cả chứ? Thế này, thì bị bắt làm chồng mất thôi”.
Tôi cứ thế xổ ra một tràng mà không để cho Đinh Át trả lời. Át đã lớn phỏng lên như thổi, cường tráng như con hổ, con báo trong rừng, nhưng vẫn dáng vẻ trầm tư, ít nói và đôi mắt thì không có gì đổi khác. Nó vẫn to hơn so với bình thường và trong veo, sâu thẳm đến khôn cùng. Đối mắt ấy lúc nào cũng có ánh lửa, cháy sáng thiêu đốt những ai đối diện nó. Thú thực tôi đã bao lần, phải bối rối trước ánh mắt ấy. Nó đã “ám ảnh” tôi trong suốt mười năm qua và có lẽ cả cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên được.
Năm đó tôi làm đội trưởng đội dân vận, đóng quân trên địa bàn làng Jơ-ri, Bờ Ngoong, Chư Sê, Gia Lai. Sau ba tháng công tác chúng tôi không chỉ thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày của một đội dân vận, mà còn là chỗ dựa về tinh thần cho đồng bào trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn và cả trong cuộc đấu tranh chống lại bọn xấu…
Trong bao ngổn ngang kỷ niệm, tôi còn nhớ như in, ngày đầu tiên đến vận động gia đình Đinh Át cho em tiếp tục đến trường. Tôi đã giật mình với cái đói, cái nghèo đến thắt ruột ở nơi đây. Gia đình Đinh Át cũng như bao gia đình khác, không có nổi một tài sản đáng giá tiền trăm. Khi mà cái ăn còn chưa đủ no, cái mặc còn chưa đủ ấm, thì việc học lấy con chữ mấy ai quan tâm. Buổi chiều cuối năm ấy, đã tạc vào tâm trí tôi những khoảng tối của cuộc sống, để rồi ám ảnh tôi trong suốt những chặng đường công tác.
Tôi không thể nào quên, căn nhà sàn nằm chơ vơ trên đỉnh đồi, như là sự bấp bênh, gieo neo của chủ nó. Không thể quên mùi hăng hắc, ngai ngái của rau Sắn vốn là thức ăn chính cho gia đình trong buổi tối. Không thể quên những đứa trẻ môi tím ngắt vì rét… Và tôi đã gặp thất bại đầu tiên khi bố Đinh Át tuyên bố chắc nịch: “Nhà mình không có cơm ăn, không có mì ăn. Khổ lắm! Bộ đội không biết được đâu. Thằng Át đi học biết mặt con chữ là được rồi, nó còn phải ở nhà đi rẫy để nuôi em”.
Khi chiều đã buông xuống nặng trịch, những rặng núi xanh rì rào biến đi đâu mất, chỉ còn nghe những tiếng chim lạc đàn kêu toang toác. Tôi không còn đủ can đảm để ở lại ngôi nhà đó nữa, tôi lao ra cửa và bước đi như ai đuổi. Dường như sau lưng tôi có ánh mắt của bố mẹ và các em của Át, cả ánh mắt của Át nữa đang bám lấy tôi, làm bước chân tôi lạng choạng nhưn người đang say rượu./.
NGUYỄN ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét