Trang chủ

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

NHÀ MỒ NGƯỜI GIA-RAI GIỮA LÒNG HÀ NỘI


          Ngày 16/5, theo kế hoạch thực tế chúng tôi đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trên phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây vừa là một cơ sở khoa học vừa là một trung tâm văn hóa, sưu tâm, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, trình diễn để giới thiệu, giáo dục những giá trị lịch sử - văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khởi công xây dựng từ năm 1989. Sau gần 20 năm hoạt động bảo tàng có 2 khu trưng bày chính. Khu một bao gồm nhà trưng bày, văn phòng và cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường... Các khối nhà liên hoàn với nhau, có tổng diện tích 2.480m2, trong đó 750 m2 dùng làm kho bảo quản hiện vật. Khu thứ 2 là khu trưng bày ngoài trời, rộng khoảng 2ha, bắt đầu xây dựng năm 1998 và hoàn thành công trình trưng bày cuối cùng trong năm 2006. Trong tương lai, khi “nhà Cánh diều” hoàn thành, sẽ trở thành khu trưng bày thứ ba của bảo tàng. Trưng bày, giới thiệu văn hóa các dân tộc nước ngoài, mà chủ yếu là các dân tộc ở Đông Nam Á.
Khi đi thăm Bảo tàng, tôi đặc biệt ấn tượng với khu trưng bày ngoài trời. Bởi tôi không chỉ được đi thưởng ngoạn trong một không gian yên tĩnh, thoáng mát, rợp bóng cây xanh rất hiếm có ở Hà Nội. Mà còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà của một số dân tộc thiểu số, do chính người dân đưa về và dựng lại trong khu trưng bày ngoài trời. Tiêu biểu như, nhà hai lớp mái của người Chăm, nhà hoàn toàn bằng gỗ pơ-mu của người Hmông, nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao, nhà tường trình của người Hà Nhì…
Nhà mồ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Đặc biệt, tôi không thể rời khỏi ngôi nhà mồ của người dân tộc Gia-rai ở Tây Nguyên. Nó đã để lại trong tôi những ấn tượng và cảm xúc mạnh mẽ về sức sống, giá trị tín ngưỡng, nghệ thuật của người Gia-rai Tây Nguyên. Nhà mồ là ngôi mộ tập thể để chôn chung những người chết trong gia đình và dòng họ, mà có khi lên đến vài chục người. Người Gia-rai quan niệm thế giới của người chết không có gì khác với thế giới của người sống. Người chết, sau một thời gian tạm trú tại nghĩa địa làng, trong ngôi “nhà mồ” của mình, sau lễ “bỏ mả” người chết sẽ dứt khoát ra đi về nơi cư trú vĩnh viễn của họ. Vì vậy, làm nhà mồ có nghĩa là tổ chức lễ hội bỏ mả (hay còn gọi là bỏ ma) là lễ hội lớn nhất, tưng bừng nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của đồng bào Gia-rai Tây Nguyên. Nhà mồ, tượng mồ là những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo của Tây Nguyên được ra đời vào dịp lễ hội thường niên này.
Tượng mồ đang thể hiện cảnh sinh hoạt tình dục

Ngôi nhà mồ trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hội tủ đầy đủ các yếu tố như nhà mồ ở Tây Nguyên. Nó được làm bằng gỗ, nứa và lồ ô, có chiều rộng khoảng 3 mét và chiều dài khoảng 8 mét. Kiến trúc  theo lối nhà trệt, kỹ thuật rường cột liên kết 3 chiều, giữa lòng cột đứng với xà dọc, xà ngang. Bên trong mỗi vĩ cột của khung nhà, chỉ có hai cây cột chính, nhà có lòng khá rộng đủ để chứa được những vật dụng dành cho người chết.

 

 

Trên mái được trang trí bằng những hoa văn vẽ với hai mảng màu cơ bản là trắng và đỏ. Nhưng có lẽ độc đáo và ấn tượng nhất là các “tượng mồ” được bố trí xung quanh nhà mồ như một tường rào. Nên khi đến đây, tôi như được chiêm ngưỡng một không gian triển lãm về nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và cả lịch sử của các dân tộc Tây Nguyên. Trên mỗi tượng, ngôn ngữ điêu khắc và phong cách – mô típ nghệ thuật đa dạng và phong phú. Các pho tượng đơn giản về hình khối, đường nét, khoẻ mạnh và sống động, miêu tả lại cảnh sinh hoạt gia đình của người Gia-rai, đặc biệt là cảnh sinh hoạt tình dục, mang thai, sinh con. Anh bạn đi với tôi khi xem nhà mồ đã băn khoăn hỏi tôi:

- Đây là sự nghệ thuật hay sự dung tục, những bức tượng sinh hoạt tình dục này nói lên điều gì? Không phải xã hội mình đang lên án những bức ảnh nude đó sao?

- Ồ!... Không! Đây không phải là dung tục hay sex mà theo quan niệm của người Gia-rai: Người sống và người chết đều như nhau. Vì vậy, khi tiễn người chết về thế giới bên kia thì phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho họ. Và “những tượng mồ là những người đi hầu người chết”, đó cũng là tình cảm trừu mến của người sống đối với người chết. Các bức tượng muốn nhắn gửi với người chết nguồn gốc sinh thành của mình. Những người bố, người mẹ đã sinh ra mình và dù có đi đâu cũng đừng bao giờ quên họ.

Tượng mồ - người phụ nữ đang mang thai

 

Mặc dù được tôi giải thích cặn kẽ, nhưng anh bạn tôi vẫn chưa hài lòng. Mà cũng đúng thôi, thế giới tâm linh của người Gia-rai rất đa dạng, phong phú và huyền bí như núi rừng Tây Nguyên vậy. Khi tôi chuẩn bị ra về thì các em học sinh trường THCS thực nghiệm Ba Đình, Hà Nội đến, nhìn thấy tượng mồ các bạn nam cười ồ lên, còn bạn nữ thì thẹn thùng che mặt. Tôi biết chắc các em không hiểu ý nghĩa của những bức tượng mồ và có thể các em sẽ suy nghĩ theo một hướng khác. Điều tôi băn khoăn tại sao các em đi theo đoàn, có tổ chức hẳn hoi mà không có nhân viên bảo tàng hướng dẫn. Với sự non nớt của tuổi thơ, ai biết chắc các em sẽ làm gì khi thấy những cảnh sinh hoạt tình dục đó?

NGUYỄN ANH SƠN

1 nhận xét: