Trang chủ

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Từ suy nghĩ đến việc làm: LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM CỦA ĐẢNG VIÊN

                                                         Bài đăng trên báo Quân đội nhân dân
                   http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/111/111/111/24223/Default.aspx


Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng. Lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng đến quần chúng. Do đó Người yêu cầu: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Đồng thời Người căn dặn: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”. Như vậy, việc nói, viết của cán bộ, đảng viên và của các tổ chức phải phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, đúng với thực tế khách quan, phải ngắn gọn, rõ ràng, rõ mục đích.
Về việc làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Và việc làm đó phải có hiệu quả cao”. Người khẳng định: “Nếu một người làm việc gì cũng không có hiệu quả thì không thể coi người đó có đạo đức”. Và “phải lấy kết quả thực hiện đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”. Người còn yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, phải năng động sáng tạo. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mục đích xuyên suốt chi phối lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên là tất cả vì dân. Đó cũng chính là tiêu chí cơ bản để đánh giá tư cách, đạo đức, tác phong công tác của người cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ cho mọi cán bộ, đảng viên biết rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bằng chứng cảm động, một tấm gương tuyệt vời về sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, Người nói và làm trước để mọi người noi theo. Năm 1945, khi vừa giành được chính quyền, Người kêu gọi mọi người tăng gia, tiết kiệm để cứu đói cho nhân dân và chính Người thực hiện trước: Mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo và cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lập “Hũ gạo cứu đói”. Trong chi tiêu, Người rất tiết kiệm và tiết kiệm đúng mức. Người có sổ tiết kiệm nhưng không bao giờ sử dụng cho riêng mình, mà đến dịp Tết Nguyên đán Người đem chia cho các cơ quan mua lợn để đón xuân. Mùa hè nắng nóng Người cho bộ đội trực phòng không để mua nước ngọt uống. Người dạy mọi người sống giản dị và chính Người thực hiện bằng cuộc sống của mình: Nhà sàn, dép lốp, áo vải đơn sơ…
Trong xã hội chúng ta hiện nay, không ít các tổ chức ra nghị quyết, lập kế hoạch thì đúng, nhưng thực hiện trên thực tế thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Không ít cán bộ, đảng viên đứng trước quần chúng nói rất hay về lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, về thái độ công tâm trong công việc, trong nhận xét, đánh giá cán bộ, về tinh thần phục vụ nhân dân… nhưng chính họ lại tham ô, tham nhũng, độc đoán, cục bộ địa phương, ức hiếp nhân dân, ăn chơi phung phí, sa đọa… làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng, gây hoài nghi trong xã hội. Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc phục căn bệnh "nói không đi đôi với làm". Muốn vậy mỗi cán bộ, đảng viên khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít, thậm chí làm hết lòng, làm tận tụy mà không nói, không tự phô trương hình thức.
NGUYỄN ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét