Trang chủ

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Chùa Hương, nỗi niềm vương vấn


QĐND Online - Chùa Hương có động Hương Tích từng được Chúa Trịnh Sâm ngợi ca là “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Trẩy hội Chùa Hương đã trở thành nét đẹp của nhiều người mỗi độ xuân về. Thế nhưng, cuối xuân Nhâm Thìn này, về Chùa Hương, tâm đức chúng tôi hướng về cửa thiền và vãn cảnh núi Hương, suối Yến đã bị chi phối ít nhiều, ra về lòng mang nhiều ưu phiền bởi những điều mắt thấy.
Cơ man… dịch vụ
Chị Nguyễn Thị Hà, 45 tuổi, từng lái đò trên suối Yến 23 năm nay. Lúc ấy hơn tám giờ sáng ngày rằm tháng ba, chị được chồng thông báo, “phát hiện” ra tám chúng tôi trên 4 chiếc xe máy từ đầu thôn, cách hơn cây số, ngay lập tức, hai vợ chồng “triển khai kế hoạch” đưa chúng tôi vào Hương Tích. Anh chồng chị Hà dẫn chúng tôi vào tận nhà một người dân và ra giá. Thấy giá dịch vụ khá cao: 15.000đ/xe máy gửi và 85.000đ/ 1 vé đò (đã bao gồm 50.000 tiền vé vào di tích), chúng tôi nghi hoặc, quay ra tìm nơi Ban quản lý di tích mong được sự phục vụ của cơ quan chức năng. Vợ chồng chị Hà lại tiếp tục “dẫn” chúng tôi đến Ban quản lý.
Tuy nhiên, điều ấy đã không xảy ra. Nơi chị Hà dẫn đến không phải Ban quản lý mà là nơi một số người của thôn Yến Vĩ được cử ra làm nhiệm vụ dịch vụ. Tiếng tuýt còi chói tai của người gác cửa dịch vụ trông giữ xe làm chúng tôi giật mình và gần như bị ép buộc phải vào. Giá cả đưa ra vẫn như trên nhưng chúng tôi thấy “sợ” vì có đến hàng chục người cả đàn ông, đàn bà vây quanh, chèo kéo gửi xe, đi đò, mua hàng... Cuối cùng, chúng tôi quyết định gửi xe ra bãi của thôn và đi đò của chị Hà. Chiếc vé giữ xe không hề có dấu của cơ quan tài chính, chỉ có duy nhất một chữ ký không điền tên của người đàn ông nhận trông giữ xe. 
Xuống thuyền ở Bến Đục, chúng tôi vẫn chưa yên bởi các dịch vụ di động, nào hoa quả, bánh trái, xôi, chụp ảnh… bám theo mời chào. Chiếc thuyền tôn chị Hà còn khá mới, có ghế ngồi đẹp và chắc chắn. Tuy nhiên, khi mái chèo vừa khuơ nhịp, phía sau thuyền đột nhiên xuất hiện một cô gái không mời, khá trẻ và xinh đẹp. Giọng nói trong trẻo của cô giới thiệu về con suối, ngọn núi, mỏm đá, bia chiến thắng… rất ấn tượng đã thu hút ngay chúng tôi. Tuy nhiên, sau mỗi lời giới thiệu là một câu mời chào đầy ma lực: “Em chụp các anh kiểu ảnh lấy ngay làm kỷ niệm phong cảnh”… Đã biết chúng tôi trên tay mỗi người một chiếc máy ảnh, nhưng cô gái vẫn bám đuổi không mệt mỏi cho đến khi một đồng nghiệp của chúng tôi nói: “Thôi, đừng theo nữa, các anh cũng là những tay săn ảnh đấy”, cô gái mới chịu buông xuôi.
Thuận miệng, chị Hà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hai du khách nam ở Thái Nguyên ít ngày trước làm khách đò của chị. Hai du khách ấy không thể từ chối cô thợ ảnh rất “có nghề” chèo kéo, cứ bấm lia lịa hết kiểu này đến kiểu khác. Cuối cùng khi thanh toán tiền phải trả tám trăm nghìn và nhận tập ảnh ba chục bức. Chị hỏi: “Chụp làm gì mà nhiều thế, chỉ vài kiểu đỡ tốn tiền, lần sau có dịp đi lại chụp”. Du khách trả lời: “Tại cô thợ ảnh khéo quá, luôn miệng nói tay làm, không kịp chối”.
Câu chuyện chị Hà kể, chúng tôi được mục sở thị ở chùa Thiên Trù. Trong khuôn viên chùa, đội ngũ chụp ảnh có đến vài chục, cứ mỗi khi có khách đến lại có vài người đeo túi đồ nghề chen đến, bám theo, mời chào, năn nỉ… gây nên cảnh lộn xộn, phản cảm. Anh Trần Văn Xuân, 29 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học và có việc làm ở Hà Nội vẫn về đây làm dịch vụ. Anh cho biết, chùa Thiên Trù là một trong hai địa điểm hành lễ, thăm quan, vãn cảnh chính, thu hút khách đông, nên tập trung bảy, tám chục tay máy. Để có một tấm thẻ hành nghề chụp ảnh tại đây, anh phải chi 2,5 triệu đồng phí các loại. Anh cho biết, cả mùa lễ hội (hơn hai tháng), tay máy nào năng động thì cũng thu được 20-25 triệu.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi thấy vấn vương nhất chính là ở trên đường leo núi. Ngoài sự mệt mỏi “bở hơi tai” do leo dốc, chúng tôi còn bị “tra tấn” bởi dịch vụ dọc đường. Hàng quán nối tiếp hàng quán với đủ các thứ hàng, các loại dịch vụ giữ đồ, ăn uống, ngủ nghỉ, gậy chống, vẽ tranh viết chữ… Hàng quán nào cũng cố gắng chèo kéo, mời chào khách gây cảm giác khó chịu. Nếu trả lời hết ngần ấy câu mời chào cũng mỏi miệng. Rồi nữa là âm thanh đua nhau như ở chợ bán đồ âm thanh, thôi thì đủ loại, âm thanh nhà Phật hoà vào âm nhạc của lễ hội chọi trâu, hát xẩm, nhạc trẻ, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… trở thành một mớ hỗn tạp nghe chát chúa. Bạt dứa che phủ gần như kín lối đi làm không gian hành hương càng thêm căng nhức. Len lỏi giữa những hàng quán ấy là các biển hiệu quảng cáo: “Vệ sinh 2.000đ/người” liên tiếp đập vào mắt du khách suốt chặng đường đến động Hương Tích.
Chị Lê Thị Thuỷ bán hàng kem ngay cổng lên trung tâm điều hành cáp treo đã nhiều năm cho biết, mấy năm trước, lối đi còn chưa bị che phủ hết nhưng mấy năm nay, người bán hàng tăng lên nhanh, lối đi chật chội thêm. Giá dịch vụ ở đây đắt hơn hai, ba lần chỗ khác.
Xem bói, ăn xin, bao giờ hết?
Thấy có vài thầy bói và những biển quảng cáo “xem tướng, xem tay”, một đồng nghiệp của tôi giả làm một đệ tử của trò bói toán, tiến gần một bác mặc áo nâu sồng ngồi hành nghề ven vách đá. Chìa tay trái, anh hỏi: “Ông xem giúp con, bao nhiêu tiền?”. Thầy phán luôn: “Tuỳ tâm thôi, nhưng đặt ít nhất 20 nghìn đồng mới nói được”. Anh đồng ý. Thầy vừa hỏi, vừa phán khá cụ thể, kỹ lưỡng.
Dọc đường đi, chúng tôi còn gặp hình ảnh của ít nhất bốn người ngồi trước cái rổ hoặc hộp giấy xin tiền. Một cụ già tự xưng đã trên 90 tuổi, một cô gái có triệu chứng thiểu năng trí tuệ, hai người đàn ông bị cụt cả hai tay. Góc ngồi của bà cụ già còn trương thêm một tấm biển lớn, khoảng hơn mét vuông ghi bài thơ lục bát dài về gia cảnh của cụ, cầu xin mọi người rủ lòng từ bi. Nhìn cảnh ấy thương lắm, hầu như ai đi qua cũng thả vài đồng lẻ.
Chúng tôi không bàn về sự đúng sai của “thầy” bói cũng như hoàn cảnh đáng thương của những người già, tàn tật phải đi ăn xin, mà chúng tôi chỉ muốn nói rằng, những hoạt động này ở nhiều lễ hội, nhiều hoạt động văn hoá đã không có từ lâu, nhưng ở đây không thấy gặp trở ngại. Cả người đàn ông mặc áo nâu  kiểu nhà chùa, đầu đã xuống tóc, đội mũ sụp, không biết có phải người nhà chùa hay không cũng ngồi cạnh biển xem tay, xem tướng.
Đôi điều kiến nghị
Mùa lễ hội Chùa Hương xuân Nhâm Thìn 2012 đã sắp kết thúc, nhưng những điều  mắt thấy, tai nghe khi trẩy hội mà chúng tôi nêu trên còn vấn vương mãi. Để hương khói Chùa Hương, cảnh đẹp Chùa Hương đẹp mãi trong sự huyền bí, chúng tôi kiến nghị với địa phương và cơ quan chức năng, cần phải có sự chấn chỉnh mạnh trong mùa lễ hội sau.   
Với những hoạt động thiếu lành mạnh như xem tướng số, ăn xin… không nên để tồn tại trong lễ hội. Các dịch vụ, bán hàng cần quản lý chặt chẽ, có kế hoạch quy củ. Loại bỏ các loại âm thanh hỗn tạp ở các quán bán hàng mà trong khu vực chỉ nên để âm thanh của nhà chùa, của ban tổ chức điều hành các hoạt động là đủ.
Các lực lượng dịch vụ như xe đò, chụp ảnh… cần quản lý chặt chẽ để giảm bớt những dịch vụ tự phát, cò mồi chèo kéo du khách gây lộn xộn, làm mất tính thiêng liêng nơi đất Phật. Lực lượng làm dịch vụ như chèo đò, chụp ảnh ở đây phải được bồi dưỡng kiến thức và cần trách nhiệm giới thiệu thắng cảnh cho du khách. Chỉ nên quy định một số khu vực cụ thể được phép tổ chức dịch vụ, bán hàng, còn lại phải dành không gian cho du khách, có vậy mới thưởng ngoạn cảnh đẹp cỏ cây hoa lá, núi đá rừng già, chim ca, bướm lượn mà thiên nhiên ưu đãi cho Chùa Hương.
                                          Bài, ảnh: Đức Hanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét