http://www.baomoi.com/Kiem-tra-%C4%91e-phuc-vu-kiem-tra/58/7484529.epi
Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn
tiếng súng, trong ký ức êm đềm của tuổi thơ, hình ảnh Bác Hồ với chòm râu bạc,
giọng nói ấm áp, khuôn mặt hiền từ như một ông Bụt luôn hiện hữu trong tôi. Khi
lớn lên đi học, công tác, tôi đã đọc nhiều câu chuyện về Bác. Nhưng câu chuyện
"Ba chữ đinh" của Lê Huy Bảo kể đã làm tôi xúc động và thấm thía tinh
thần tiết kiệm triệt để và cuộc đời thanh bạch của Người.
"Đầu năm 1955, khi mới tiếp quản Thủ đô,
Trung ương Đảng còn đóng trụ sở ở nhà thương Đồn Thủy. Một buổi chiều Bác cho
người gọi tôi lên và nói: Bây giờ chú giúp Bác làm một việc (vừa nói Bác vừa
đưa cho tôi một quyển sổ công tác): Hằng ngày chú đọc báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu
quốc... Chú thấy báo nêu
thành tích của các cô, các chú nông dân, công nhân thì ghi tóm tắt vào sổ. Hằng
sáng đúng 7 giờ chú đưa lên Bác xem. Xem xong Bác sẽ gửi lại chú. Thực hiện lời
Bác dạy, tôi tranh thủ thời gian đọc báo để ghi vào sổ người tốt, việc tốt.
Sáng, sáng đưa lên Bác xem. Một kỷ niệm in đậm trong tâm trí tôi, lúc đó tôi
đọc báo Nhân Dân và ghi vào sổ: "Tổ sản xuất nông
dân sản xuất đinh, tháng một sản xuất được 50 vạn chiếc đinh, tháng hai nhờ
phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sản xuất được 60 vạn chiếc đinh".
Đọc xong Bác lấy bút đỏ gạch bỏ hai chữ "đinh" ở cuối câu rồi nói:
Chú viết một câu ngắn mà có ba chữ "đinh". Phải biết tiết kiệm giấy
mực, công sức và thời gian. Đọc hai chữ "đinh" mất một giây, cả triệu
người thì hết bao nhiêu thời gian".
Một câu chuyện nhỏ như bao câu chuyện trong
cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng có giá trị to lớn trong công
cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm của Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta ngày nay. Đó là một lời huấn thị, một minh chứng, một tấm
gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên noi theo. Khi mà tham nhũng đang là một
quốc nạn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ; các vụ tham nhũng lớn
được đưa ra ánh sáng, chúng ta thấy đau xót vì hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước
bị "lấy cắp trắng trợn" do một số cán bộ, đảng viên tha hóa, biến
chất; các công trình xây dựng xuống cấp một cách nhanh chóng do bị "rút
ruột" thảm hại. Khi mà sự sa hoa, lãng phí trong các cơ quan, đơn vị Nhà
nước vẫn còn phổ biến. Ở đâu đó còn có cán bộ, đảng viên biển thủ công quỹ,
dùng xe của cơ quan, đơn vị để đi du lịch, đi làm việc riêng. Những bàn trà, cà
phê, cuộc nhậu kéo dài lê thê, triền miên. Khi mà một số "ông quan cách
mạng" vẫn còn giữ cái thói đi muộn về sớm, hách dịch, nhũng nhiễu nhân
dân, v.v..
Sự lãng phí trong xã hội chúng ta có ai thống
kê được? Tôi nghĩ đây không chỉ là một căn bệnh xã hội mà còn là một "tâm
bệnh" trong mỗi người. Phải thức tỉnh được lương tâm, trách nhiệm, đạo đức
của người cán bộ, đảng viên đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Thực
hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh", mỗi chúng ta hãy tự soi lại mình để rửa sạch những tà tâm tham
nhũng, thói quen lãng phí./.
Nguyễn Anh Sơn
QĐND - Thứ Sáu, 11/05/2007, 22:45 (GMT+7)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét