Trang chủ

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Phóng sự: "Cơn lốc" văn hóa vỉa hè


          Nếu bạn đánh “trà đá chém gió” thì chỉ cần 34 giây, google sẽ cho bạn hơn một ngàn kết quả. Ở đó, có đủ muôn mặt vui buồn, dở khóc, dở cười của trà đá vỉa hè. Nhưng tôi vẫn thấy, dường như thiếu một cái gì đó dưới góc độ văn hóa, lối sống của sinh viên Hà Nội đang được hình thành từ vỉa hè. Và tôi quyết định làm một chuyến "vi hành", để cùng “trà đá chém gió" với sinh viên.
          Rời giảng đường… ra vỉa hè
          Điểm tôi dừng chân đầu tiên là cổng trường Đại học Thương mại và trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Lúc này khoảng 15 giờ, chưa tan trường, nhưng các quán trà đá đã đông nghịt các bạn trẻ. Mà qua câu chuyện của họ, tôi biết được đó là những sinh viên “bùng” tiết.
Các quán trà đá hết chỗ, sinh viên ngồi dưới lòng đường để "trà đá chém gió"
(Ảnh chụp trước trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội)
        - Học đách gì lắm? Ra trà đá chém gió đi.
       Bạn Nguyễn Quang Huấn, sinh viên Trường Đại học Thương mại ngồi cạnh tôi điện cho bạn như vậy. Tôi lân la hỏi chuyện:
         - Sao đang học mà cũng trà đá vậy em?
         - Quen rồi anh ạ! Một ngày mà không được vài cuốc trà đá chém gió thì thấy như thiếu một cái gì đó...
         Huấn nói rồi cười sảng khoái, khuôn mặt cậu ta giãn ra và được quấn lấy bởi một làn khói thuốc mờ đục. Tôi đứng dậy, móc ví trả tiền và kiếm cớ hỏi thăm bà chủ quán. Chị tên là Hằng, có thâm niên bán trà đá gần 8 năm ở đây vui vẻ tâm sự: "Trước đây, tôi lấy chợ làm nhà, chạy ngược chạy xuôi cũng không đủ ăn. Từ ngày, chuyển sang trà đá đỡ hơn hẳn chú ạ! Vốn ít, lại không lo bị ế. Sinh viên giờ thích trà đá lắm. Rời giảng đường là ra vỉa hè, chú không tin, chờ một lúc nữa mà xem..."  
          - Cho 3 ly trà đá chị ơi!
          - Vâng! Có ngay.
          Chị bỏ dở câu chuyện với tôi khi có khách vào. Bằng những thao tác thuần thục, chuyên nghiệp, chỉ trong nháy mắt đã có 3 ly trà đá cho khách. Nghe theo lời chị, tôi nán lại chờ cho sinh viên tan trường để "mục sở thị". Và giờ phút đó đã đến, như "ong vỡ tổ", nháo nhác cả một góc phố. Các quán trà đá không còn một chỗ trống, có toán thậm chí còn ngự tọa cả lòng đường.
          Văn hóa, lối sống vỉa hè được hình thành 
          Tôi tiếp tục hành trình của mình tại các cổng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Bưu chính Viễn Thông, Đại học Hà Nội, Kiến Trúc, Bách khoa, Kinh tế, Cao đẳng Truyền hình...  vào các thời điểm khác nhau. Nhưng tôi nhận thấy, tất cả đều có một điểm chung: "trà đá chém gió" đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong giới sinh viên. Nếu như đó chỉ là một nhu cầu sinh hoạt bình thường thì không có gì đáng bàn, nhưng nó đã bắt đầu hình thành một lối sống, một nền tảng văn hóa và cách ứng xử... vỉa hè của sinh viên.

Giờ nghỉ, ngày nghỉ sinh viên không tham gia các hoạt động xã hội
hay học tập mà tụ tập "trà đá chém gió"
(Ảnh chụp trước cổng Trường Cao đẳng Truyền hình )

        Những mẩu chuyện, cách phát ngôn, lối ứng xử tôi thu được ở các quán trà đá đều "sặc mùi chợ búa" của "dân anh chị". Chứ không ai nghĩ đó là của những nam thanh, nữ tú có học thức, của những "người chủ tương lai của nước nhà".
         - Con "vợ" tao dính bầu rồi.
         - Thì phá đi cho đỡ phiền phức.
         - Nhưng to quá rồi, tao sợ...
         - Ôi dào! Sợ đách gì. Vợ chồng tao đi suốt.
         - Bọn mày ngu như cẩu, tao cho con "vợ" dùng miếng dán, nên an toàn tuyệt đối.
          Có hàng trăm câu chuyện đại loại như vậy ở trà đá vỉa hè. Nếu bạn thử ngồi giữa một quán trà đá và nhắm mắt lại, lắng tai nghe, bạn sẽ thấy không còn là "chém gió" thông thường. Có cả một cơn bão của âm thanh, của từ ngữ vỉa hè đổ sầm sập vào tai. Không phải chuyện tình dục thì là chuyện scandal của sao, chuyện ăn nhậu, thanh toán giữa các nhóm, các hội, chuyện "đánh thố", lô đề, chạy điểm... Ngôn ngữ thì "trăm hoa đua nở", không theo kiểu "sát thủ đầu mưng mủ", thì cũng nói tục, chửi thề rất "hồn nhiên".
          Khi mới đến Hà Nội, tôi sợ nhất là nạn kẹt xe, tắc đường. Nhưng giờ thì không hẳn thế, một nỗi sợ hãi khác cứ lớn dần và ám ảnh trong tôi. Tiếng "Đ.mẹ!" từ một cô gái có vóc dáng của một người mẫu với đôi môi xinh như hoa, đập vào tai tôi như một "cú đấm trời giáng", đẩy tôi ra đường. Phố Xuân Thủy giờ cao điểm người như nêm cối. Sự ô nhiễm khói bụi, âm thanh đã khiến Hà Nội oằn mình rồi, giờ còn ô nhiễm văn hóa nữa, khổ cho Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, thủ đô của hòa bình quá.

          Giấy rách phải giữ lấy lề

          "Cơn lốc" "trà đá chém gió" phát triển nhanh đến nỗi trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube... có cả các "hội trà đá chém gió", "hội những người phát cuồng vì trà đá chém gió", "hội những người thích trà đá vỉa hè chém gió"... Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng "yêu", cũng "phát cuồng" với "trà đá chém gió". Bạn Cát Thu Thảo, sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông tâm sự: "Phải thừa nhận rằng, văn hóa, lối sống vỉa hè xâm nhập vào học đường là một thực trạng rất đáng báo động. Những hệ lụy từ trà đá chém gió là có thật. Nhưng đó chỉ là những nhân tố ngoại cảnh, cái chính là mỗi sinh viên phải rèn luyện được bản lĩnh cho mình, có ý thức tự chủ để miễn dịch trước những cơn gió độc ấy". Còn bạn Nguyễn Minh Cường, sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình thì chia sẻ: "Sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ, sự hào nhoáng của chốn phồn hoa. Trong khi đó, những sân chơi bổ ích cho sinh viên còn quá ít, có chăng thì cũng chưa thu hút được sinh viên. Vì vậy, nhiều bạn đã đốt thời gian vào những quán trà đá chém gió, những chuyện vô bổ và dẫn đến vi phạm các tệ nạn xã hội". 
          "Trà đá chém gió" của sinh viên không phải là chuyện bây giờ mới nói, tôi cũng nghĩ rằng, nếu đó chỉ là một ly nước giải khát bình dân thì hợp lẽ thôi. Vì sinh viên vốn là những người luôn khó khăn về kinh tế. Nhưng khi nó đã phát triển thành một trào lưu thì còn nhiều chuyện đáng bàn lắm. Một tuần cùng "trà đá chém gió" với sinh viên tâm trạng của tôi luôn xáo trộn, đan xen; vui thì ít, buồn thì nhiều. Nhưng điều làm tôi ám ảnh nhất có lẽ là văn hóa, lối sống vỉa hè đang từng ngày, từng giờ len lỏi vào giới học đường./.   
                                                                        NGUYỄN SƠN

1 nhận xét: