Trang chủ

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang vẫn nặng tình với Tây Nguyên


Bài đăng trên báo Gia Lai ngày 23/9/2012

(GLO)- “Hào hoa - Lãng tử” đó là cảm nhận của đa số những người gặp và tiếp xúc với nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang - Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân. Nhưng không chỉ có vậy, tôi còn thấy một Hồng Thanh Quang ưu tư, đằm thắm và nặng tình với những miền đất ông đã qua.

- P.V: Dường như độc giả biết đến Hồng Thanh Quang với tư cách là một nhà thơ hơn là một nhà báo,ông có nghĩ như vậy không?

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng không biết nữa, nhưng cho dù là nhà thơ hay nhà báo, thì công chúng cũng chỉ tiếp xúc với họ thông qua tác phẩm. Có người biết tôi là một nhà thơ, có người biết tôi là một nhà báo, nhưng cũng có những người chẳng biết tôi là ai. Đó cũng là lẽ tự nhiên thôi. Tôi quan niệm “mình có giá trị với những người coi mình giá trị”.
Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân, “chất men Tây Nguyên luôn làm cho tôi chếnh choáng, ngây ngất để tôi đủ “hư” khi yêu và làm thơ”. Ảnh: Nguyễn Sơn


- P.V: Theo quan điểm của nhiều người, giữa nhà thơ và nhà báo luôn có sự khác biệt về tâm hồn, tính cách, phương pháp làm việc. Ông đã bao giờ thấy hai con người này trong ông “đá” nhau chưa?

Hồng Thanh Quang: Ồ! Tôi thì không thấy gì khác và đương nhiên không bao giờ có sự “đá” nhau ở đây. Mục đích của người làm báo là thu phục công chúng để truyền đạt tư tưởng, quan điểm của mình tới họ. Tôi dùng tâm hồn thơ, cảm xúc thơ để mềm hóa những bài báo, kể cả những bài báo chính trị vốn được coi là khuôn mẫu và khô khan.

- P.V: Được biết ông có một thời gian công tác ở Tây Nguyên, vậy ông có mối tình hay kỷ niệm nào ấn tượng về Tây Nguyên hay không?

Hồng Thanh Quang: Mỗi mảnh đất ta sống đều để lại những dấu ấn nhất định trong cuộc đời. Đối với tôi, những năm tháng ở Tây Nguyên đã cho tôi nhiều điều và nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi cũng có nhiều mối tình, nhưng chỉ là những “mối tình thơ”. Chất men Tây Nguyên luôn làm cho tôi chếnh choáng, ngây ngất để tôi đủ “hư” khi yêu và làm thơ.

- P.V: Vậy ông có thường xuyên trở lại Tây Nguyên không, đặc biệt là Pleiku, mảnh đất ông đã từng sống và làm việc?

Hồng Thanh Quang: Pleiku và Tây Nguyên luôn ở trong trái tim tôi. Tôi luôn trở lại mỗi khi có dịp kể cả trong thơ và trong cuộc đời thực. Có một hôm, những người bạn ở đơn vị cũ trong Tây Nguyên ra Hà Nội họp và ghé thăm tôi. Khi bạn đã yên giấc nồng, thì tôi chợt tỉnh và hình ảnh Tây Nguyên lại ùa về trong tôi nóng hổi, vẹn nguyên. Những ý thơ xuất hiện và bài thờ “Ủ câu thơ cũ vào men lá” ra đời. Vậy là có quà gửi Pleiku và những đồng đội ở Binh đoàn Tây Nguyên. Tôi đọc nhé! “Ủ câu thơ cũ vào men lá/một chiều say lại với cao nguyên/vượt bao nhiêu dốc không hề xá/miễn là đêm tới rạng ngời em; chao ôi môi mắt thơm hương nắng/tiếng hát êm đềm như suối reo/nhìn đâu cũng thấy toàn trong sáng/một gót chân trần theo mãi theo; em chưa tóc ngắn, chưa gió bụi/hạnh chấm vai gầy nâu rất nâu/tôi chưa thi sĩ thơ lầm lũi/cắn ngón tay buồn không biết đau; thế thôi rồi đã rời phương khác/đèo nối chân đèo xuôi cứ xuôi/hai mươi năm mất trong khoảnh khắc/em đã phương người như lũ trôi; giờ tôi trở bước sao lạ quá/những lối bao lần ai với ai/ủ câu thơ cũ vào men lá/nghe trái tim mình duyên đã cai”.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét