Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn
Tây, Hà Nội) được nhiều người biết đến không chỉ là "đất hai vua", mà
còn thu hút du khách thăm quan bằng vẻ đẹp mộc mạc giản dị đúng “chất quê”
của bờ ao sen làng, đồng cỏ xanh mướt và những công trình kiến trúc đá ong đặc
sắc.
Khách du lịch đến làng cổ Đường Lâm rất đông, nhưng không mấy người muốn ở lại qua đêm vì dịch vụ còn kém |
Sau hơn 5 năm được công nhận Di tích kiến trúc
nghệ thuật quốc gia, du lịch làng cổ Đường Lâm đang dần đi vào chuyên nghiệp
hóa trong phương thức tổ chức dịch vụ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất
cập. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách đến tham quan và thu nhập
của các hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn
Văn Hùng – chủ nhân ngôi nhà cổ hơn 400 năm tuổi cho biết: “Ước tính lượng khách
đến với gia đình 9 tháng đầu năm 2011 giảm 20% so với năm 2010; tiền lãi giảm
từ 7 triệu đồng/tháng xuống còn khoảng 5 triệu đồng/tháng”. Còn bà Nguyễn Thị
Thu – Chủ tịch Công ty Cổ phần du lịch làng cổ Đường Lâm thì bức xúc: “Du khách
đến với làng cổ Đường Lâm chỉ tham quan rồi về Hà Nội. Đường Lâm không giữ được
chân họ vì cách làm dịch vụ du lịch manh mún, tự phát của người dân và sự thiếu
quan tâm của các cơ quan chức năng”.
Khi tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy nguyên
nhân dẫn đến sự thiếu hấp dẫn ở Đường Lâm là do chưa kết hợp được giữa bảo tồn
di tích với phát triển dịch vụ du lịch, nên tâm lý của đại đa số người dân làng
cổ Đường Lâm là không muốn đón tiếp du khác, vì bản thân họ không được hưởng
lợi từ việc bảo tồn làng cổ cũng như phát triển dịch vụ du lịch, mà ngược lại
còn gây ra nhiều phiền hà trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Cách tổ chức
nhân sự và khai thác dịch vụ du lịch của Ban quản lý di tích còn nhiều bất cập.
Mà nổi lên là trong Ban quản lý không có người của xã Đường Lâm nên công tác
tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện còn gặp nhiều khó khăn;
công tác quản lý, đầu từ, khai thác dịch vụ du lịch thiếu đồng bộ, vì vậy một
số hộ gia đình làm tự phát, hiệu quả thấp. Các hoạt động giao lưu, giới thiệu,
quảng bá sản phẩm văn hóa của làng cổ còn ít. Thực tế du khách rất khó khăn để
mua một món quà lưu niệm ở làng cổ Đường Lâm...
Để thu hút du khách trở lại với Đường Lâm, trước
hết đòi hỏi các cơ quan chức năng phải giải quyết tận gốc những bức xúc của
người dân, tạo ra tâm lý và sự đồng thuận cao trong bảo tồn di tích làng cổ với
phát triển dịch vụ du lịch. Tập trung đầu tư đồng bộ cho các hộ gia đình có nhà
cổ thực hiện mô hình du lịch gia đình “3 trong 1” (cho thuê xe đi tham quan
làng cổ; ăn uống và ngủ nghỉ tại nhà cổ). Phát triển, quảng bá rộng rãi những sản phẩm
văn hóa đặc sắc riêng có ở làng cổ Đường Lâm như cơm phố Mía, gà Mía, nghề làm
đường, mật, bánh kẹo, làm tương, dệt vải thô khổ hẹp. Các lễ hội truyền thống
đặc sắc của làng Việt cổ tôn vinh các anh hùng dân tộc, anh hùng văn hóa và
phong tục tập quán địa phương./.
NGUYỄN ANH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét