Bài phát trên Chương trình Phát thanh Quân đội
Các đồng chí ạ!
Cuộc sống quân ngũ bao giờ
cũng để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều bài học sâu sắc. Đặc biệt là
những ngày chập chững làm lính tân binh. Đối với tôi cũng vậy.
Ngày đó tôi nhập ngũ với nhiều
thanh niên trai tráng trong vùng. Và rồi trời đất run rủi thế nào tôi lại được
biên chế về một đại đội mà ở đó có đến 12 đứa quê cùng một xã. Sau những ngày
đầu gặp nhau làm quen, chúng tôi đưa ra ý tưởng họp đồng hương để đoàn kết,
tương trợ, giúp đỡ nhau trong huấn luyện và công tác. Tôi tự xung phong làm
trưởng ban liên lạc để thông báo cho anh em đến hội ý để làm công tác chuẩn bị.
Khi 12 thành viên đã đủ cả. Dũng là đứa lớn tuổi nhất trong đám chúng tôi, lại
có nhiều năm lăn lộn với nghề công nhân ở miền Nam lên tiếng:
- Các bạn ạ! Trong số chúng
ta có một số người đã thoát ly đi làm ăn xa, nay về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nhưng đại đa số là anh em mới rời ghế nhà trường, đi vào quân ngũ nên chưa hiểu
hết giá trị của tình đồng hương khi xa nhà.
Nghe Dũng nói vậy, anh em
đều rất xúc động và đồng tình với ý kiến của Dũng:
- Đúng!... Đúng rồi… Đúng
rồi đấy!.... Xa nhà không gì bằng tình đồng hương!
Ngọc béo cũng là một thành
viên có “máu mặt” trong xã tôi, nhập ngũ năm đó khẳng khái nói:
- Bạn Dũng nói không sai
chút nào. Chúng ta là đồng hương thì phải đoàn kết lại, 12 người như một. Để
không những giúp đỡ nhau trong huấn luyện, công tác hằng ngày, mà có khi còn “đối
phó” với các tình huống bất trắc nữa chứ... Vì vậy, tôi đề nghị họp đồng hương
lần này phải bầu ra các ban bệ lãnh đạo, phụ trách và có quy chế hoạt động hẳn
hoi.
Tất cả anh em vỗ tay tán dương ý kiến của Ngọc, Thắng cò xen vào:
- Tôi có ý kiến: Để cho
tương xứng với tầm vóc của nó, tôi đề nghị chúng ta không gọi là họp đồng hương
mà phải gọi là ĐẠI HỘI ĐỒNG HƯƠNG.
- Đại hội đồng hương! Hay
đấy! Hay đấy!
Tất cả cùng đồng thanh nhất
trí với tên gọi Đại hội đồng hương. Lúc này, Hạnh – người có vẻ điềm đạm đứng
dậy nói:
- Các bạn ạ! Đại hội thì tốt
rồi, nhưng theo tôi vấn đề đầu tiên vẫn là vấn đề tiền đâu. Chúng ta phải có
một ít kinh phí, một bữa liên hoan tươm tươm sau khi đại hội thành công chứ.
Không lẽ đại hội xong rồi giải tán. Các cậu thấy có đúng không nào?
Không khí bỗng trầm xuống
hẳn, không ai nói gì. Vì trước khi nhập ngũ, chúng tôi đều là những thanh niên
nông thôn nghèo. Mới vào đơn vị hôm trước thì… hôm sau đã hết tiền. Nên nhắc
đến tiền ai cũng đăm chiêu.
- Tôi có ý kiến – Hòa giờ
tay xin phát biểu phá tan cái không khí ảm đạm đó. Tất cả các cặp mắt đều đổ
dồn vào Hòa. Cậu ta dõng dạc nói:
- Để có tiền làm kinh phí
cho Đại hội đồng hương không có gì khó. Vấn đề là các bạn có muốn làm hay không
thôi.
Ở dưới cùng nói nhao lên:
“Ơ! Ơ hay! sao lại không? Dám… dám quá đi chứ ạ!”
- Vậy tớ xin đưa ra một sáng
kiến: Mỗi người nộp một món đồ quân trang, người này cái quần, người kia cái
áo, người đôi dày… miễn sao khi có “tình huống” cấp trên kiểm tra, hay trong
sinh hoạt có thể mượn được của nhau là ổn.
- Ừ được đấy! Sao chúng mình
không nghĩ ra nhỉ… Khi anh em đang nhốn nháo thì Dũng nói:
- Nhưng vấn đề là bán số
quân trang ấy ở đâu, mình vừa mới đến đang lạ nước lạ cái.
Hòa cười và khẳng định:
- Các cậu không phải lo.
Mình đã đi thị sát vùng này rồi. Có người mua quân trang với giá gần bằng giá quân
nhu hẳn hoi nha. Các cậu cứ nộp quân trang đi, những việc đó để mình lo.
Sau khi chúng tôi đã bàn bạc
kỹ, thống nhất ngày, giờ, kinh phí cho Đại hội đồng hương. Thì mỗi đứa chúng
tôi nộp một món hàng quân trang và phấn khởi chờ đến ngày vui đó.
Ngày hôm sau, khi vừa mới đi
huấn luyện về, đã nghe thấy tiếng còi và khẩu lệnh của trực ban: “Đại đội báo động hành quân di chuyển”. Cả
đại đội nhanh chóng gói ghém quân tư trang ra vị trí tập trung. Cả ban chỉ huy
đại đội cũng đã có mặt ở đấy. Khi hàng lối đã chỉnh tề. Đại đội trưởng không
phát lệnh hành quân di chuyển mà ra lệnh kiểm tra quân tư trang đột xuất. Tất
nhiên, cả hội đồng hương chúng tôi mặt ai nấy đều tái xanh.
Ôi thôi rồi! Phương án của
Hòa đưa ra chỉ áp dụng được khi kiểm tra từng người, hoặc là từng trung đội.
Chứ kiểm tra toàn đại đội thì coi như kế hoạch đó bị phá sản hoàn toàn. Không
ai ứng cứu được cho ai. Sau khi kiểm tra xong, đại đội trưởng đọc tên 12 người
thiếu quân trang và ra lệnh 15 phút sau có mặt ở phòng giao ban đại đội.
Khi chúng tôi có mặt, thì
chính trị viên đại đội cũng đã ngồi chờ sẵn ở đó với toàn bộ quân trang của
chúng tôi đem đi bán. 12 đứng chúng tôi tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, không ai dám
nhìn ai. Chính trị viên nói:
- Các đồng chí đã biết những
sai phạm của mình chưa? Đồng hương đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau trong
huấn luyện, công tác là rất tốt. Nhưng bán quân trang để họp đồng hương là một
việc làm không thể chấp nhận được. Quân trang cấp cho các đồng chí không chỉ để
sinh hoạt hằng ngày mà cả khi làm nhiệm vụ chiến đấu. Vì vậy, quân trang được
quản lý, sử dụng như một loại hàng đặc biệt. Đó còn là hàng quốc cấm, những cá
nhân và tổ chức không có thẩm quyền thì không được mua bán… Vậy mà!... Các đồng
chí!... Các đồng chí!... Lại làm việc tày đình như vậy! Cũng may đại đội phát
hiện sớm, nên đã chuộc lại toàn bộ số quân trang đó...
Nghe đến đây thì tất cả chúng tôi mới thấy
hết sự nông nổi và liều lĩnh của mình. Sau lần đó, cả 12 đứa đều bị kiểm điểm
trước đơn vị. Đó là một bài học sâu sắc của những ngày làm lính tân binh, mà
sau này khi đã trở thành một sĩ quan rồi tôi vẫn không thể nào quên./.
NGUYỄN ANH
SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét