Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng hiện nay" ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới vào
đời sống chính trị của đất nước. Dư luận chung của toàn Đảng, toàn dân hoan
nghênh, tán thành; nhưng cũng đang chờ đợi và kỳ vọng vào việc triển khai thực
hiện nghị quyết trong thời gian tới. Mà một trong những giải pháp được “nêu cao và rất nhấn mạnh” là “tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của
cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là cấp trung ương và
người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị”.
Vấn đề là tự phê bình và phê bình
như thế nào cho có hiệu quả, để nó không trở thành khẩu hiệu suông. Vì không
phải bây giờ Đảng ta mới tự phê bình và phê bình. Mà đó là một việc làm thường
xuyên như “rửa mặt” hằng ngày và gần đây nhất là thực hiện nghị quyết Trung
ương 6 (lần 2) khóa VIII; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh” chúng ta đã thực hiện các đợt tự phê bình và phê bình trong toàn
Đảng, toàn dân. Nhưng vẫn để: “Một bộ
phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh
đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào
chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn
cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Điều
đó chứng tỏ tự phê bình và phê bình chưa đạt hiệu quả như mong đợi, thậm chí
một số cơ quan, đơn vị chỉ là hình thức. Thực tiễn đã chứng minh: phần lớn các
vụ việc tiêu cực, tham nhũng, vi phạm đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
đều do quần chúng phát giác, tố cáo. Còn vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng ở
những nơi đó hết sức mờ nhạt.
Vì vậy, tự phê bình và phê bình
theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 có ý nghĩa hết sức quan trong. Nó được
xem như là một mũi giáp công, một đòn quyết định đánh vào “giặc nội xâm”; là cơ
hội để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã nhấn mạnh: “Tinh thần chung của Trung
ương là quyết tâm thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện. Bộ Chính trị đã có
Chỉ thị và sẽ có Kế hoạch triển khai thực hiện, nêu rõ các yêu cầu, công việc,
lộ trình, thời gian, cách thức và các bước tiến hành cụ thể”. Nội dung tự
phê bình và phê bình là “tập trung vào 3
vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết lần này gắn với việc thực hiện 19 điều
đảng viên không được làm và việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa
phương, đơn vị, ngành mình”. Nhưng có lẽ điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân mong đợi nhất là: "Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người
đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo".
Người Việt ta có câu: “Đánh rắn phải đánh vào đầu”,
“nhà dột từ trên xuống”. Một khi mà Trung ương và người đứng đầu cơ quan, đơn
vị gương mẫu, tiên phong tự phê bình, trung thực, cầu thị, dám nhận khuyết điểm
để sửa chữa thì cấp dưới và nhân dân ắt sẽ tin theo. Qua đó cũng sẽ lộ rõ chân
tướng “quan cách mạng”, hay là “công bộc” của dân, làm cơ sở cho bỏ phiếu tín
nhiệm, miễn nhiệm cán bộ. Khi nói về phê bình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng
khẳng định: Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc, phê bình là thuốc để
chữa các bệnh khuyết điểm. Vậy, yêu cầu đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị
phải có cái tâm vì Đảng, vì dân; có dũng khí uống thuốc để chữa bệnh. Đối với
cấp ủy, tổ chức đảng phải tiến hành triệt để, kiên quyết và bền bỉ. Tuyệt đối
không được nóng vội để kẻ địch và các phần tử cơ hội lợi dụng chống phá. Phải tạo
được một cơ chế minh bạch để nhân dân tham gia phê bình, giám sát cán bộ, đảng
viên. Đồng thời dũng cảm đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng./.
NGUYỄN ANH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét