Trang chủ

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

ĐỒNG ĐỘI TÔI!

                                                                Bài phát trên Chương trình Phát thanh Quân đội

          Các đồng chí ạ! Cứ mỗi năm đến mùa tòng quân, thấy thanh niên trên cả nước hăm hở lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lòng tôi lại xôi xao với bao kỷ niệm của những ngày làm lính tân binh. Người ta nói “ngô nghê binh nhì” quả là không sai; nhưng những bài học đầu tiên ấy, đã để lại trong tôi những dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời quân ngũ; đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội.
          Năm đó tôi nhập ngũ cùng với rất nhiều thanh niên, trai tráng ở các vùng quê khác nhau, nhưng ngẫu nhiên làm sao khi biên chế về đơn vị huấn luyện, tôi lại được ở cùng với tiểu đội được mệnh danh là “Tiểu đội G7”. Là tiểu đội tập hợp những người có “máu mặt” nhất là về các khoản tài trợ không hoàn lại (ODA). Chỉ cần điểm mặt một số thành viên thôi là đủ để thấy cái biệt danh “Tiểu đội G7” của chúng tôi không phải là “hữu danh vô thực”.     
Cậu Tiến có bố mẹ đều làm cán bộ huyện, trước khi nhập ngũ được mệnh danh là “công tử phố huyện”, con “nhà mặt phố, bố làm to”. Cậu Toản xét về chỉ số “túy ánh bạc” thì không phải nói, vì bố mẹ cậu ấy có hẳn cả một cửa  hàng buôn bán vật liệu xây dựng lớn nhất thị trấn, nên cái khoản “Y-ê-nờ-yên, tờ-yên-tiên-huyền-tiền” lúc nào cũng rủng rỉnh. Cậu Long cũng không kém cạnh, vì có hai anh trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Còn nhàng nhàng như tôi, cũng được đây. Không dấu gì các đồng chí! Tôi là con trai độc nhất của một gia đình có ba chị em, bố tôi không phải là “quan to” nhưng cũng là cán bộ xã; mẹ là giáo viên dạy cấp ba, nên tôi cũng được cưng chiều như một công tử, và đương nhiên mỗi khi muốn có khoản tài trợ ODA thì chỉ cần nhấn thêm mấy lời “kêu nghèo, kể khổ” thật  lâm ly sau mỗi lá thư hay cuộc điện thoại cho bố mẹ, thì ngay lập tức, 3 đến 4 ngày sau tôi có giấy lĩnh tiền... 
Chính vì thế mà mặt công tác hậu cầu, đời sống của tiểu đội tôi lúc nào cũng hoành tráng, khiến các tiểu đội khác phải kiêng nể. Và để xứng tầm với nói, tiểu đội tôi đã bầu thêm một tiểu đội phó phụ trách công tác hậu cần - đời sống và tôi là người được tín nhiệm, vì có lẽ tôi là người xông xáo và có nhiều “sáng kiến” nhất trong việc tổ chức các buổi liên hoan, sinh nhật, bồi dưỡng sau mỗi ngày huấn luyện... cho anh em.
Nhưng!... nói thì nói vậy thôi, chứ trong thực hiện các chiến lược của “Tiểu đội G7” chúng tôi không phải không có rào cản. Cái rào cản lớn nhất là cậu Mạnh. Ây!(thở dài)... cả tiểu đội chúng tôi không ai biết hoàn cảnh gia đình cậu ta như thế nào, vì Mạnh là người ít nói, lúc nào cũng trầm tư, đăm chiêu, khó gần. Tôi là người nằm cạnh giường của Mạnh cũng không biết thêm được thông tin gì, vì cậu ta luôn “bế quan, tỏa cảng”. Chỉ mỗi lần đóng tiền để “liên hoan”, “bồi dưỡng” hay làm bất cứ việc gì khác là cậu ta lại phản đối. Nên chúng tôi coi Mạnh như là kẻ “kít sắt”, bủn xỉn, không sống “mình vì mọi người”. Vì vậy, mỗi lần ra quyết nghị chúng tôi luôn phải lấy sức mạnh tập thể “thiểu số phục tùng đa số” để buộc cậu ta phải tuân theo.
Hôm đó, trong buổi sinh hoạt tiểu đội tôi đề nghị:
- Tuần tới chúng ta có sinh nhật đồng chí Long. Tôi đề nghị tiểu đội phải tổ chức một buổi sinh nhật hoành tráng.
Cả tiểu đội đồng thanh ủng hộ ý kiến của tôi “Ừ! Đúng đấy! Chúng ta phải tổ chức thật hoành tráng...” Cậu Toản còn khẳng định thêm:
- Có lẽ anh em mình may mắn lắm, cũng chỉ được một cái sinh nhật trong quân đội thôi. Vì vậy, để ghi lại dấu ấn này tôi đề nghị chúng ta không chỉ có liên hoan mà còn phải có quà tặng cho nhân vật chính, có âm nhạc và nếu... nếu thiết kế được các bóng hồng nữa thì càng tốt... Và để có kinh phí thì tôi đề nghị, mỗi đồng chí đóng góp một phần ba phụ cấp binh nhì. Được không nào?  
Khi cả tiểu đội cùng vỗ tay tán dương ý kiến của Toản. Thì cậu Mạnh giơ tay xin có ý kiến:
- Tôi có ý kiến! Báo cáo với các đồng chí! Tổ chức sinh nhật là một việc làm rất tốt, nhưng chi đoàn chúng ta cũng đã có kế hoạch tổ chức sinh nhật đồng đội cho những ai sinh trong tháng này vào tối thứ sáu tuần tới. Vì vậy, theo tôi tiểu đội chúng ta không nên tổ chức sinh nhật riêng, vừa tốn kém, vừa tự tách mình ra khỏi tập thể...
 Như thường lệ, ý kiến của Mạnh được “bảo lưu” nhưng quyết định vẫn theo đa số, chúng tôi vẫn lên kế hoạch tổ chức sinh nhật cho cậu Long. Sinh hoạt tiểu đội xong tôi phấn khởi và hả hê trong lòng vì đã giành thắng lợi hoàn toàn; còn cho được “Ông Mạnh kít sắt” một bài học. Đã vậy, tôi còn dự định sẽ tiếp tục đưa ra “sáng kiến” để bắt Mạnh phải đóng góp theo. Còn Mạnh thì... khuôn mặt nặng trịch và “buồn như đưa đám”. Tôi nghĩ chắc “Cu cậu đang xót tiền đây....”.
Đêm hôm đó, Mạnh không ngủ được, cứ hết ngồi rồi lại nằm, đi ra rồi lại đi vào và cứ cầm lấy quển sổ như đang đọc cái gì đó. Tôi thì như “mở cờ” trong bụng và đi vào giấc ngủ của một kẻ đắc thắng. Cho đến phiên gác lúc 3 giờ sáng, đồng đội đánh thức tôi dậy để làm nhiệm vụ, thì tôi sực nhớ đến hành động lén lút của Mạnh tối hôm qua. Và vì tính tò mò, hiến thắng tôi muốn xem Mạnh đang đọc cái gì mà không ngủ được. Tôi lấy cuốn sổ đầu giường Mạnh ra xem và trong đó có một bức thư, mà lúc đầu tôi nghĩ là thư của người yêu Mạnh, nhưng khi nhìn kỹ thì mới thấy nét bút của một em gái chừng học lớp 5, lớp 6 gì đấy. Và đó là thư của em gái Mạnh. Tôi đọc và không thể tin vào mắt mình nữa, hai tay tôi run bần bật, con mắt đọng nước cay xè. Trong thư có đoạn viết: “Anh Mạnh ơi! Bệnh của mẹ đã đỡ nhiều rồi, cũng nhờ có các cô, các chú trong Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh xã giúp đỡ mà mẹ mới có tiền mua thuốc. Còn số tiền tháng trước anh gửi về cho em để đóng học phí và mua một bộ quần áo mới đi học, nhưng mẹ ốm nên em không mua áo quần nữa; em để dành mua đồ ăn bồi dưỡng cho mẹ chóng khỏi anh ạ. Khi nào anh có tiền, anh gửi về em mua sau...”     
Các đồng chí a! Đến đây thì mọi việc đã rõ, Mạnh không phải “kít sắt”, keo kiệt nhưng chúng tôi nghĩ, mà Mạnh không tán đồng với những việc làm vô bổ của chúng tôi vì còn tiết kiệm những đồng tiền phụ cấp ít ỏi của binh nhì để gửi về cho mẹ chữ bệnh và cho em đi học. Tôi thấy mình nhỏ bé và tâm thường vô cùng so với Mạnh. Tôi tự trách mình đã vô tâm với đồng chí đồng đội.
Sáng ra cả tôi và Mạnh đều có con mắt đỏ hoe, nhưng chúng tôi nhìn nhau bằng ánh mắt trìu mến, đồng cảm, chia sẻ của những người đồng chí đồng đội, sau khi tôi đề nghị hội ý tiểu đội để quyết định bãi bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết và chuyển toàn bộ số tiền dự kiến sinh nhật Long cho Mạnh để gửi về gia đình giúp mẹ và em./.

NGUYỄN ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét