Trang chủ

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

HỢP “GU”

                                                                         Bài đăng trên báo Quân khu 4

Mới đầu tuần, Thành – người bạn thân đến thăm tôi với bộ mặt thiểu não, rầu rĩ. Vốn thuộc típ người xởi lởi, vui tính nên tôi biết Thành có chuyện không vui.
- Thế nào! Mới đầu năm mà mặt như đưa đám vậy ông tướng? – Tôi hỏi để xua tan không khí u ám đang đè nặng lên cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Nhưng Thành vẫn tư lự, đăm chiêu. Tôi lại độc thoại:
- Có chuyện gì mà mới đầu năm đã “mặt nặng mày nhẹ” vậy? Chẳng phải năm qua, việc chung, việc riêng cậu đều thắng lợi cả đó sao? Vợ thì sinh quý tử; còn cậu mới 34 tuổi đầu, đã làm trưởng phòng của một quận ở đất sài thành; con đường quan lộ đang rộng mở thênh thang. Bao nhiêu người nằm mơ cũng không được.
- Quan với chả lộ. Mình đang khổ tâm vì chuyện đó đây.
- Ô hay! Sao vậy? Không phải công việc của cậu đang tốt đó sao?
- Ư!... Công việc thì mình vẫn làm tốt. Nhưng ngặt một nỗi… mình không hợp “Gu” với “bề trên”.
- Nghĩa là sao? – Tôi sốt sắng hỏi. Thành kể:
- Đầu năm ngoái, mình được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Đó là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của bản thân và đã được tổ chức ghi nhân. Nhưng khi làm chủ trì một cơ quan, mình mới thấy hết sự phức tạp của nó. Điều làm mình lo ngại nhất không phải công việc, mà cái chính là mình không hợp “Gu” với một số vị lãnh đạo cấp trên. Vì vậy, thường xuyên bị “soi” và “bị chiếu tướng” theo kiểu “bới lông tìm vết”, nhằm hạ thấp uy tín của mình. Mà cậu biết rồi đấy, người Việt ta đã đúc kết: “Khi thương củ ấu cũng tròn, khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo”…
Nghe bạn giãi bày, tôi hiểu ra vấn đề. Tôi cũng đã từng nghe ở cơ sở anh em truyền tụng nhau câu vè: “Thứ nhất, phải hợp gu; thứ hai, phải gật gù dễ sai; thứ ba, phải biết nhậu lai rai…”. Đó là một thực tế rất đáng buồn ở một số cơ quan, đơn vị hiện nay. Vì nhiều lý do khác nhau, có thể là: bà con họ hàng, đông hương, thân quen; v.v… mà có vị lãnh đạo đã thiên vị, thích người này, ghét người kia. Làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung và việc nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ nói riêng bị sai lệch. Đó là những cán bộ chưa “chí công vô tư”. Không tôn trọng và đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm.
Để điều trị loại “bệnh” này, các cấp ủy, tổ chức đảng phải đề cao tính chiến đấu trong sinh hoạt. Tạo cơ chế bình đẳng cho mọi đảng viên tự phê bình và phê bình. Quán triệt và đưa Nghị quyết “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Trung ương IV (khóa XI) vào cuộc sống. Thực hiện “đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng lòng” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu./.

NGUYỄN ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét