Trang chủ

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

ĐỂ GIỮ CHỒNG, MẸ GIẾT CON!


Hoa sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Tỉnh Gia, Thanh Hóa. Nhưng bằng nỗ lực của cá nhân không những Hoa học hết trung học phổ thông mà cô còn vào Sài Gòn học tiếp cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp Hoa được nhận vào làm việc cho một công ty tư nhân ở Bình Dương.
Vốn là một cô gái chân quê hiền lành, nhanh nhẹn và có chút nhan sắc Hoa có rất nhiều chàng trai săn đón. Trong số đó, Hoa chọn Dũng là con trai độc nhất của một gia đình giàu có ở Bình Dương để trao thân gửi phận. Không thể kể hết niềm vui của gia đình Hoa khi cô lên xe hoa về nhà chồng. Cứ tưởng cuộc sống đã mỉm cười với Hoa và câu chuyện cô gái lọ lem lên thành phố có một cái kết có hậu.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi đứa con đầu lòng ra đời là con gái thì áp lực có con trai nối dõi tông đường bắt đầu đè nặng lên Hoa. Cô ý thức được sức nặng của trọng trách đó thông qua cử chỉ, lời nói của bố mẹ chồng và của chính chồng cô. Mẹ chồng lúc nào cũng bóng gió chuyện vợ chồng nhà này, vợ chồng nhà kia đẻ được coi trai kháu khỉnh. Bố chồng thì than ngắn, thở dài chuyện mình chưa có người nối dõi. Dũng cũng vì thế mà đâm ra chán nản, rượu chè và đối xử cục cằn với vợ. Anh còn tuyên bố thẳng: “Nếu sinh lần thứ hai mà không có con trai thì vợ chồng ly dị”.
Con gái lớn chưa đầy hai tuổi thì Hoa mang thai lần thứ hai trong nỗi sợ hãi đến tột cùng. Còn cả nhà chồng thì nín thở chờ cho đến ngày siêu âm xác định giới tính và chưa được ba tháng Dũng đã bắt đầu giục Hoa đi siêu âm. Cũng chính vì tính chất “quan trọng” của nó mà Hoa lén đi siêu âm một mình. Khi biết được kết quả: “Thai nhi sinh đôi là hai bé gái” thì đất trời như sụp đổ với chân cô. Hoa bật khóc nức nở và hoảng sợ đến mức không dám về nhà nữa. Khi trong đầu Hoa lóe lên ý định phá bỏ bầu thai trong bụng và cô nghĩ ngay đến bố mẹ đẻ ở quê. Cô dựng lên một kịch bản để qua mắt nhà chồng: Bầu thai trong bụng là một trai một gái và rồi nhờ bố mẹ ở quê gọi điện xin ông bà sui gia cho con gái về quê có việc gia đình. Khi về quê cô sẽ phá thai và vào nói với nhà chồng là đã sẩy thai.
Khi đã xây dựng xong kịch bản Hoa mới yên tâm về nhà và mọi chuyện bước đầu đều suôn sẻ như ý định. Hoa còn được nhà chồng cưng chiều vì trong người cô có giọt máu nối dõi tông đường của họ. Khi được nhà chồng cho về quê thì bầu thai cũng đã hơn bốn tháng. Bố mẹ Hoa cũng biết rõ tình cảnh của con gái nên đồng ý cho cô đi phá thai. Phá thai xong, Hoa gọi điện báo cho Dũng biết là cô bị ngã và bị sẩy thai. Phần vì tiếc đứa con trai nối dõi, phần vì không tin vợ sẩy thai nên Dũng tức tốc về quê vợ. Tại đây anh bắt đầu bí mật “điều tra” và tìm ra được chân tướng của sự việc. Đưa vợ trở lại Bình Dương ngày hôm trước thì ngày hôm sau Dũng đưa đơn ly hôn ra tòa.
Câu chuyện trên, không chỉ để lại bài học đau lòng cho hủ tục muốn có con trai nối dõi tông đường. Mà còn là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội và mất cân bằng của dân số Việt Nam trong tương lai. Vẫn biết rằng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu, bám rễ, tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội và không dễ dàng xoá bỏ. Nhiều gia đình vì muốn sinh con trai bằng mọi giá nên đã lâm vào cảnh đông con, nợ nần, túng thiếu. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, vợ chồng lừa dối, phản bội, ngược đãi nhau và ngược đãi con cái. Để góp phần xoá bỏ dần tư tưởng lạc hậu này, bản thân mỗi người phải tự quyết định lấy cuộc sống của mình. Con trai hay con gái cũng là con của mình và điều cốt yếu là phải yêu thương, giáo dục để con trở thành con ngoan, trò giỏi, khoẻ mạnh, có hiếu với cha mẹ, ông bà, là công dân tốt của xã hội./.  
        
    NGUYỄN ANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét