QĐND - Thứ Tư, 23/12/2015, 12:55 (GMT+7)
QĐND - Họ là những nhà văn, nhà báo, cán bộ quản lý ở đơn vị cơ sở, vừa đảm nhiệm công việc chuyên môn vừa góp vui với đời, với bộ đội bằng tiếng cười. “Lính cười lính” vừa vui, vừa dí dỏm, sinh động và còn là những nụ cười rất riêng, rất độc đáo về đời sống, sinh hoạt, huấn luyện... của chiến sĩ mà người ngoài cuộc không thể có được. Dưới đây là những tác giả mặc áo lính, thường xuyên cộng tác với chuyên mục “Truyện vui” trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc...
Đại tá, nhà báo Đặng Việt Thủy: Tiếng cười “đa hệ”...
Ngày vào bộ đội, Đặng Việt Thủy thường kể chuyện cho anh em trong đơn vị cùng bạn bè nghe, dần dần anh viết thành những truyện vui, tiểu phẩm, truyện cười... đăng trên các báo, sau đó tập hợp in thành sách. Anh là một trong số ít các cây bút viết truyện cười miệt mài, đam mê, cần mẫn, trung thành với thể loại này từ gần ba chục năm trước cho đến hôm nay.
Khi được hỏi lý do Đặng Việt Thủy chọn truyện cười làm khuynh hướng sáng tác mà không chọn các thể loại khác, anh nói: “Có lẽ đây là cái “tạng”, là sở trường của tôi. Tôi nghĩ rằng, tiếng cười không chỉ phê phán những thói hư tật xấu, những hiện tượng tiêu cực mà tiếng cười còn làm người ta thư giãn, sảng khoái, trẻ ra... để sống đẹp hơn, tốt hơn. Cười để vơi đi nỗi ưu phiền vất vả. Cười là liều thuốc tiên không mất tiền mua để đem lại sức khỏe cho con người. Cười vừa mang tính giáo dục vừa hướng thiện. Cười người và cũng cười cả bản thân mình”...
![]() |
Đại tá, nhà báo Đặng Việt Thủy. |
Đặng Việt Thủy dùng nhiều thủ pháp để gây cười như: Chơi chữ, ngoa dụ, vòng vo, đánh lừa, gây hiểu lầm... Bí quyết căn bản khiến người ta cười là anh phải có một cái chốt bí mật, vào thời điểm bất ngờ nào đó, anh mới bật cái chốt ấy. Cái chốt ấy là các ý nghĩ, các hình ảnh, hay là câu chữ độc đáo nhưng cực hài, cực bất ngờ. Đương nhiên, bất ngờ theo xu hướng hài chứ không theo xu hướng làm bạn đọc rùng mình, sởn gai gốc như trong các phim kinh dị!
Các truyện gây cười của Đặng Việt Thủy trong mục “Truyện vui” trên trang “Câu lạc bộ chiến sĩ” của Báo Quân đội nhân dân thứ Bảy trước đây, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần hiện nay khá đa dạng, phong phú và tinh tế. Nội dung bao quát rất rộng, trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hầu như mọi tầng lớp, lứa tuổi đều là nhân vật phản ánh của anh. Đặc biệt, chủ đề về người lính trong huấn luyện, chiến đấu, công tác chiếm khá lớn. Truyện vui của Đặng Việt Thủy luôn tỉnh táo, rõ ràng, góp phần hướng con người vươn tới cái thiện, cái đẹp trong cuộc đời.
Hiện nay, anh vẫn viết truyện vui đều đặn. Anh cho rằng, niềm vui của người viết truyện vui là làm cho thiên hạ cười. Còn nỗi buồn là không viết được gì, hoặc viết mà không cười được. Anh thường nói: “Tôi nghỉ hưu nhưng không nghỉ viết và do đó cũng không nghỉ... cười!”. (HOÀI ĐĂNG)
Thượng tá, nhà báo Bùi Trí Dũng: Tiếng cười đậm chất lính
Viết truyện vui về người lính, lại chủ yếu phục vụ người lính nên có những cái khó. Yêu cầu đầu tiên là người viết phải thực sự “nhúng” mình vào cuộc sống của người lính, từ sinh hoạt, học tập đến huấn luyện, chiến đấu. Trong hàng chục truyện được đăng trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần của Bùi Trí Dũng là những câu chuyện có thực, diễn ra trong những năm anh còn là học viên của Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vinhempic (nay là Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự) và thực tiễn ở đơn vị kho quân khí. Hầu hết những truyện vui của anh ngoài yếu tố tếu táo mang đặc trưng của người lính thì anh còn có một kho từ vựng quân sự phong phú, trên tất cả các lĩnh vực: Tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật... Nếu không nắm vững thuật ngữ từng chuyên ngành, những điều lệnh, điều lệ, quy định của quân đội thì câu chuyện sẽ bị tách rời khỏi cuộc sống của người lính, sẽ trở nên giáo điều hoặc tẻ nhạt...
![]() |
Thượng tá, nhà báo Bùi Trí Dũng. |
Bùi Trí Dũng là một cây bút giàu kỹ năng với những ẩn ý, những cài đặt, những thủ pháp linh hoạt, như: “Đường đao ngoài kịch bản”, “Bí danh của dê trưởng”... được anh xây dựng và tháo nút thắt gây cười rất tinh tế. Truyện vui của anh buộc người đọc và đặc biệt là những chiến sĩ phải bật cười, có lúc cười nắc nẻ, có lúc tủm tỉm cười. Có thể cười ở từng chi tiết, cũng có thể đọc xong, ngẫm nghĩ rồi mới cười...
Bùi Trí Dũng chia sẻ: “Cuộc sống của người lính vô cùng phong phú, đa dạng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không gian văn hóa của người lính luôn đầy ắp tiếng cười. Vì lẽ đó mà tôi mong muốn trên truyền thông, đặc biệt là Báo QĐND đưa tiếng cười sinh động, thanh cao ấy lên mặt báo nhiều hơn nữa, tiếp sức cho tiếng cười lan tỏa, góp phần giúp bộ đội hăng say huấn luyện, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ...”.(VĂN HẠNH )
Thiếu tá Nguyễn Anh Sơn: Người cười cùng bộ đội
Nguyễn Anh Sơn bén duyên với “nghề tay trái” từ rất sớm và không chỉ bằng những bài báo mà cả truyện ngắn đăng trên các tạp chí, các tờ báo từ Trung ương đến địa phương. Là cán bộ chính trị, viết báo cũng là một nhiệm vụ, nhưng theo Nguyễn Anh Sơn, nếu chỉ dừng lại ở các thể loại báo chí thôi vẫn chưa đủ, chưa phản ánh hết cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, mà truyện vui trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần là một góc riêng trong tâm hồn người lính, trở thành đặc sản trong bữa ăn tinh thần của họ và Nguyễn Anh Sơn đã bắt đúng mạch nguồn ấy. Anh thừa nhận những truyện vui anh viết đều lấy chất liệu từ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người lính trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đó là, một “Dũng thầy bói” chui vào gốc cây ngủ khi trinh sát thực địa, làm cho cả đại đội một phen hú vía, một bài học sâu sắc; là chàng binh nhì lần đầu ra mắt người yêu trong bộ quân phục chỉnh tề, để rồi “đánh đổ” cả “ông chính ủy” - bố vợ tương lai trong một lần về phép; là “Tiểu đội VIP” với những anh chàng ngổ ngáo, khoe khoang nhưng phải rơi lệ trước tấm lòng thương yêu gia đình của đồng đội; là trò ma mãnh của lính binh nhì trong “Đại hội đồng hương” hay như tình huống dở khóc dở cười trong “Đứa con tinh thần”, sự dễ thương, tinh tế trong “Lời tỏ tình của lính”… Tất cả làm nên một tiếng cười nhẹ nhàng rất đáng yêu, đáng trân trọng của Bộ đội Cụ Hồ.
![]() |
Thiếu tá Nguyễn Anh Sơn. |
Nguyễn Anh Sơn tâm sự: “Truyện vui chiếm phần lớn người ta khai thác chuyện trai gái, chuyện bếp núc của chị em, thậm chí có cả chuyện phân biệt vùng miền, tập tục văn hóa... Thế nhưng truyện vui trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần tuyệt đối không có những thứ đó! Mà ở đó là những nụ cười rất tinh tế, dí dỏm, vừa giàu tính giáo dục, có tính kỷ luật... nên rất thách thức các cây bút...”.(THẾ HIỂN)
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng : “Chính ủy dê” hóm hỉnh
Công tác tại một đơn vị phòng không trực tiếp làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, nhưng trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn-“chính ủy dê” - Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng vẫn thường xuyên tranh thủ góp vui bằng những truyện vui dành cho người lính. Những tác phẩm anh viết thường xuất phát từ những câu chuyện có thật mà anh từng trải qua trong cuộc đời binh nghiệp, được anh chuyển tải dưới góc nhìn lạc quan, vui vẻ của người lính nhưng ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Dưới ngòi bút uyển chuyển của anh, tưởng chừng như tình huống khó khăn lại trở thành niềm vui, sự lạc quan vươn tới cái đẹp, cái cao cả của tình đồng chí, đồng đội. Truyện vui của anh gây ấn tượng mạnh với nhiều bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ bởi xoay quanh đề tài “cũ” nhưng luôn “mới”, đó là tình yêu người lính như: “Lời thề thứ bảy”, “Chức danh lạ của Khánh”, “Kinh nghiệm thu sóng”, “Một lần dân nhớ dân thương”…
![]() |
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng. |
Là cộng tác viên của trang “Câu lạc bộ chiến sĩ” rất chăm chỉ và luôn đổi mới, tôi rất tin tưởng chàng “Chính ủy dê” sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc Báo QĐND Cuối tuần những tác phẩm truyện vui dí dỏm, nhân văn... góp thêm “món ngon” thú vị, bổ ích vào bữa ăn tinh thần của đời sống bộ đội và bạn đọc cả nước...(NHẤT SƠN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét