QĐND - Thứ sáu, 09/01/2015 | 9:29 GMT+7
QĐND - Đầu đã hai thứ tóc, vậy mà sống mũi tôi vẫn cay xè khi anh bạn đột nhiên hỏi: “Giờ nghĩ về quê hương, anh nhớ gì nhất?”. Tôi không suy nghĩ mà nói ngay: “Đôi quang gánh của mẹ”. Tôi cũng không thể lý giải được, mẹ lấy đâu ra sức mạnh mà chỉ có đôi quang gánh ấy, bà đã gánh cả gia đình tôi đi qua những đêm đông giá rét đến ngày hè nóng bỏng, những mùa lụt, giáp hạt đói kém của khúc ruột miền Trung.
Chiến tranh kết thúc, miền Nam hoàn toàn giải phóng, bố tôi trở về trong niềm hân hoan của gia đình. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, vì "bóng ma" chiến tranh vẫn đeo bám gia đình tôi với thứ chất độc da cam quái ác. Nó bắt ba đứa em tội nghiệp của tôi sớm phải lìa xa cuộc đời này, còn đứa em út mãi mà không thành người lớn... Tôi không thể quên được những giọt nước mắt chảy ra đỏ như máu của mẹ; khuôn mặt xám xịt, ám khói chiến trường của bố.
Khi bố không còn đủ sức làm trụ cột kinh tế của gia đình nữa thì mẹ với đôi vai gầy guộc lấy chợ xép làm đất mưu sinh, đôi quang gánh làm phương tiện sống cho cả gia đình. Ngày ấy, quê tôi (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh) có chợ phiên buổi sáng và buổi chiều ở hai vị trí khác nhau. Nói là chợ nhưng thực chất lúc đầu chỉ là nơi người dân tụ tập để trao đổi nông sản, hải sản do chính họ làm ra một cách tự phát. Đó có khi chỉ là một ít khoai, ít đậu, lạc hay bó rau, mớ cá, mớ hàu, mớ hến… đem ra bán để mua về thứ khác cho gia đình. Về sau, người ta dùng tre, nứa, rơm, rạ dựng thành các lều chợ nhỏ nhắn, rất đặc trưng của vùng quê thuần nông. Lúc đó mới xuất hiện những người bán hàng xén, những tiểu thương thu mua nông sản, hải sản rồi đem ra chợ bán.
Mẹ tôi cũng là một trong những người như vậy. Bà mua lại tất cả những gì người dân quanh vùng bán, rồi gánh ra chợ bán lại để kiếm vài nghìn tiền lãi. Mà có khi chỉ đủ để mua một hoặc hai ký gạo, mớ tép cho gia đình qua bữa. Ngày còn nhỏ, mẹ thường cho tôi ra chợ và bao giờ cũng dúi vào tay tôi cái kẹo, tấm bánh hay một bắp ngô luộc… Tôi vô tư ăn, vô tư chơi, vô tư cười. Có biết đâu để có dù chỉ là những thứ tưởng như rất nhỏ ấy, trên trán mẹ lấm tấm mồ hôi, thậm chí thấm đẫm cả lưng áo. Và tôi càng lớn lên bao nhiêu thì đôi quang gánh của mẹ càng nặng bấy nhiêu, bởi các khoản chi cho tôi ăn học ngày thêm nhiều.
Giờ đây bố tôi không còn nữa, mẹ cũng không đủ sức bám chợ và tôi luôn day dứt bởi không được ở gần mẹ. Mỗi lần về quê, mẹ lại đặt bàn tay nhăn nheo, chai sạn lên xoa đầu tôi như những ngày tôi theo mẹ ra chợ. Mẹ muốn truyền tình thương và những hơi ấm còn lại cho con mẹ. Một đời chợ-đời mẹ chỉ biết có chồng con mà không làm gì cho riêng mẹ.
Tản văn của NGUYỄN ANH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét